DetailController

Lịch sử

Những nét chính trong quá trình thành lập huyện và những sự kiện lịch sử tiêu biểu

29/06/2018 00:00

Quá trình thành lập huyện và những thay đổi địa giới hành chính: Mai Châu trước kia là Mường Mai, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIII. Thời nhà Trần, Mường Mai thuộc lộ Đà Giang, trấn Gia Hưng, xứ Hưng Hóa. Dưới triều Nguyễn, Mai Châu gồm tổng Thanh Mai và tổng Bạch Mai.

Phát huy truyền thống

 

Kể từ thời Pháp thuộc, châu Mai Châu thuộc phủ Chợ Bờ, tỉnh Mường Hòa Bình. Tháng 10/1890, châu Mai Châu và châu Đà Bắc được hợp nhất làm một, gọi là Mai Đà. Sau một thời gian tồn tại, châu Mai Đà lại tách thành hai và được giữ nguyên đến năm 1941 thì Mai Châu và Đà Bắc lại tái hợp nhất thành châu Mai Đà.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 21/9/1956, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định chia huyện Mai Đà thành 2 huyện: Mai Châu và Đà Bắc.

Năm 1957, theo Quyết định của Liên khu III, huyện Mai Châu vốn gồm 5 xã: Mai Thượng, Tân Mai, Mai Hạ, Bao La và Pù Bin được chia thành 22 xã. Đến nay, địa giới hành chính huyện Mai Châu ổn định với 23 đơn vị hành chính gồm 22 xã: Cun Pheo, Piềng Vế, Bao La, Xăm Khòe, Mai Hịch, Vạn Mai, Mai Hạ, Tân Mai, Chiềng Châu, Nà Phòn, Nà Mèo, Tòng Đậu, Đồng Bảng, Phúc Sạn, Tân Sơn, Noong Luông, Ba Khan, Thung Khe, Pù Bin, Hang Kia, Pà Cò, Tân Dân và thị trấn Mai Châu.

Những sự kiện lịch sử tiêu biểu qua các thời kỳ:

Ngay từ thời nhà Trần, những người con của đất Mường Mai đã trấn ải biên giới, lập nhiều chiến công, được triều đình ban thưởng. Nghĩa quân áo đỏ của đồng bào các dân tộc ở Mai Châu đã nhiều phen làm cho quân xâm lược nhà Minh khiếp sợ.

Cuối năm 1942, tại phố Vãng, tổ Cứu quốc đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được thành lập, tích cực nhen nhóm và phát triển phong trào cách mạng nơi đây. Sau đó, chiến khu Hòa - Ninh - Thanh ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng ở địa phương tiến lên một bước cơ bản.

Ngày 25/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, lực lượng cách mạng từ các vùng Tu Lý, Hiền Lương (Đà Bắc) phối hợp với nhân dân tại chỗ tiến đánh Chợ Bờ. Quân Nhật khiếp sợ và nhanh chóng đầu hàng. Ta tổ chức mít tinh và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời châu Mai Đà. Sau đó, lực lượng cách mạng được chia làm hai bộ phận: bộ phận thứ nhất về thị xã Hòa Bình để hỗ trợ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh; bộ phận thứ hai vượt sông Đà, phối hợp với đại đội Đinh Công Đốc bao vây chính quyền tay sai ở Suối Rút. Trước khí thế cách mạng sôi sục và áp lực của đông đảo quần chúng, chính quyền ở Suối Rút đã về tay nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thiết lập.

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đã gặp phải rất nhiều khó khăn về kinh tế cũng như đối phó với âm mưu phá hoại của "thù trong giặc ngoài”. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc này là nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, củng cố bộ máy chính quyền. Chính quyền cách mạng lâm thời đã tập trung chỉ đạo phong trào tăng gia sản xuất, diệt "giặc đói”, "giặc dốt”. Mọi tầng lớp nhân dân đều hăng hái tham gia, thi đua phát nương trồng sắn, trồng rau màu đẩy lùi nạn đói.

Khi thực dân Pháp tấn công đánh chiếm trở lại Hòa bình, do đã được chuẩn bị từ trước nên các địa phương của Mai Châu đã kịp thời tổ chức tản cư, di dời các kho tàng, tài sản đến nơi an toàn. Hai tháng sau, quân địch với những trung đoàn bộ binh có sự yểm trợ của pháo binh, không quân mới chiếm được tuyến đường 15 và toàn bộ vùng Mai Châu. Tại đây, chúng tăng cường bắt lính, càn quét, xây dựng bộ máy chính quyền tay sai, ra sức lừa phỉnh nhân dân bằng chiêu bài "Xứ Mường tự trị”.

Ngày 15/01/1950, quân Pháp rút khỏi Mai Châu do vấp phải nguy cơ bị đẩy vào thế thất bại. Mai Châu hoàn toàn được giải phóng. Từ các vùng tiếp giáp, thực dân Pháp vẫn thường xuyên tổ chức bắn phá, càn quét vào địa phận huyện Mai Châu.

Tháng 11/1951, thực dân Pháp mở cuộc tấn công Hòa Bình lần thứ hai, chiếm đóng các vị trí trọng điểm, trong đó có Mai Châu, chúng tổ chức tuyên truyền dụ dỗ nhân dân hòng khôi phục lại "Xứ Mường tự trị”. Nhưng nhân dân các dân tộc Mai Châu đã một lòng một dạ theo cách mạng, tiến hành tiêu thổ kháng chiến, đóng góp hàng vạn cây nứa, bương, tre phục vụ bộ đội đánh địch.

Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, Mai Châu đã trở thành một trong số các căn cứ địa phục vụ chiến trường Tây Bắc. Chín năm kháng chiến kết thúc thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Kể từ đây, Mai Châu bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm sau kháng chiến là khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa.

Ngày 21/9/1956, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị định số 1053/TTg, chia huyện Mai Đà thành hai huyện Mai Châu và Đà Bắc.

Mai Châu trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 xã: Mai Thượng, Mai Hạ, Pù Bin, Bao La và Tân Mai.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn đói khổ, nhưng với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, toàn huyện Mai Châu đã huy động lực lượng thanh niên lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và thực hiện nghĩa vụ của "hậu phương lớn” đối với "tiền tuyến lớn”.

Vừa phải đối phó với máy bay Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang Mai Châu vừa tích cực đẩy mạnh sản xuất, thực hiện nghĩa vụ đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, nhân dân trong huyện còn đóng góp hàng nghìn ngày công, đào hàng trăm mét khối đất đá làm hầm, hào giao thông phục vụ cho công tác quân sự ở địa phương. Lực lượng vũ trang của huyện trực tiếp tham gia nhiều trận vây bắt giặc lái và đã lập nhiều chiến công.

Sự nỗ lực cố gắng của nhân dân cả nước, trong đó có phần đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu đã làm nên chiến thắng lịch sử vang dội mùa Xuân năm 1975, thống nhất hai miền Nam - Bắc, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ lịch sử mới, tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.

Tổng kết hai cuộc kháng chiến, huyện có 500 thương binh và đã có 327 người con của Mai Châu đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Với nhiều đóng góp quan trọng, quân và dân huyện Mai Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2.389 Huân, Huy chương các loại cùng hàng nghìn Bằng khen của Chính phủ và Ủy ban hành chính tỉnh. Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho quân và dân huyện Mai Châu nhiều danh hiệu cao quý như: "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; Huân chương Lao động hạng nhì;  phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đảng bộ và nhân dân 4 xã: Chiềng Châu, Tòng Đậu, Vạn Mai, Mai Hịch; có 14 bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vì dòng điện của tổ quốc, nhân dân vùng lòng hồ sông Đà đã hy sinh nhà cửa, đất đai, ruộng vườn… cho công trình thế kỷ trên sông Đà…

Đến tháng 12 /2017, giá trị sản xuất ước đạt 2.007.800 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt 24.206.000 đồng/người/năm; Năm 2017, đón 324.536 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 99.314 lượt khách, khách nội địa 225.222 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 89 tỷ đồng.

Năm 2016, tỉnh đã quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030, mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. Huyện đang nỗ lực phấn đấu nâng cấp thị trấn Mai Châu từ đô thị loại 5 lên đô thị loại 4 và đạt các tiêu chí của điểm du lịch quốc gia vào năm 2020.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, những năm vừa qua, huyện Mai Châu mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa năng suất lúa lên 53,51 tạ/ha/năm.

Mặt trận an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, các tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ luôn được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.

Đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đến nay, 100% số xã với 99,8% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 96% hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Công tác giáo dục thường xuyên được quan tâm chú ý. Toàn huyện đã thanh toán xong nạn mù chữ và được công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập Trung học cơ sở. Cơ sở trường lớp được kiên cố hóa, phục vụ tốt yêu cầu dạy và học. Hiện nay, toàn huyện có 21/64 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Những phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước tặng thưởng

Các xã Tòng Đậu, Chiềng Châu, Vạn Mai, Mai Hịch đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 18/6/2003, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp cho toàn thể cán bộ và nhân dân huyện Mai Châu. Huyện Mai Châu được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006 và hạng Ba năm 2016.