DetailController

Tin từ các đơn vị

Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh

10/09/2021 00:00
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, giúp mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển, tạo nên đột phá lớn trong phát triển kinh tế- xã hội. Trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi số đang ở bước đi đầu tiên và được triển khai mạnh mẽ trong khối Nhà nước và doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp 620 dịch vụ công mức độ 3 và 912 dịch vụ công mức độ 4

Thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển Chính quyền điện tử. Đến nay, chuyển đổi số đã bước đầu mang lại những kết quả quan trọng. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp gắn với việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng được triển khai ở các cấp. Hộp thư điện tử công vụ hoạt động hiệu quả. Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ liên thông 4 cấp. Ngoài ra, cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh được thực hiện đồng bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến Quốc gia. Tính đến 31/6/2021, Cổng dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp 620 dịch vụ công mức độ 3 và 912 dịch vụ công mức độ 4, tích hợp cung cấp 534 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, hệ thống hạ tầng thông tin được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại. Hiện nay, 100% các xã/phường/thị trấn có mạng lưới cáp quang và trạm phát sóng thông tin di động. Đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ tỉnh đến cấp huyện và đang triển khai đến cấp xã. Tỉnh đã đưa vào thí điểm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm giám sát an toàn an ninh tập trung và cung cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh ta đặt mục tiêu đến hết năm 2030 sẽ thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Hòa Bình trở thành tỉnh có chỉ số khá về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước.

Để làm được điều đó, bên cạnh việc khắc phục những khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cấp thiết và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số. Tỉnh chú trọng phát triển các nền tảng số, hạ tầng thông tin, viễn thông tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị, tại khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và nhân dân. Ưu tiên phát triển chính quyền số để thúc đẩy, dẫn dắt chuyển đổi số trong xã hội. Tập trung chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, các ứng dụng công nghệ số trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước, hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh để triển khai thử nghiệm một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh. Cần tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xây dựng các quy định, quy chế bảo đảm an toàn an ninh mạng. Thực hiện định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn, ứng dụng công nghệ số toàn diện trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nhờ chuyển đổi số./.