DetailController

Quốc phòng - An ninh

Những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh

12/12/2014 00:00
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm (PCTNMD), góp phần ổn định trật tự an ninh, chính trị trên địa bàn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, hoạt động mại dâm ở các địa bàn giáp ranh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tuy có giảm nhưng tính chất, mức độ, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Các phương thức hoạt động mại dâm ngày càng đa dạng với nhiều hình thức biến tướng, dễ thấy nhất là mại dâm “trá hình” lợi dụng các dịch vụ: Ăn, nghỉ, vũ trường, karaoke, cà phê, tẩm quất, massage hoặc giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động tạo thu nhập cao,… để dụ dỗ, lừa gạt những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, hoặc do ăn chơi, đua đòi, lười lao động, thích hưởng thụ đã bị bọn tội phạm, ma cô lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, tham gia hoạt động mại dâm; tình trạng gái gọi, gái bao vẫn tiếp tục xuất hiện dẫn đến việc khó khăn trong công tác kểm tra, đấu tranh, triệt phá. Bên cạnh đó, số lượng phụ nữ bỏ nhà đi làm ăn xa không rõ lý do địa chỉ, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em diễn biến rất phức tạp. Theo kết quả điều tra rà soát của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh số người hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh qua các năm: Năm 2011 có 310 người ở 85/210 xã, phường, thị trấn; năm 2012 có 309 người ở 81/210 xã, phường, thị trấn; năm 2013 có 259 người ở 75/210 xã, phường, thị trấn; năm 2014 có 267 người ở 72/210 xã, phường, thị trấn; số người hoạt động mại dâm chủ yếu là nữ, ở dộ tuổi 18-35 tuổi, phần lớn có trình dộ văn hóa thấp và không có nghề nghiệp, việc làm.

Sau 3 năm thực hiện công tác xây dựng mô hình PCTNMD giai đoạn 2011-2014, TNMD trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước được đẩy lùi, kiềm chế về tốc độ, phạm vi, quy mô; kiểm soát và giảm cơ bản được TNMD tại các địa bàn trọng điểm thuộc các huyện, thành phố, vùng giáp ranh; hạn chế tệ nạn phát sinh ở cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; ngăn chặn tệ nạn  mại dâm trong học sinh, sinh viên. Bước đầu đã thực hiện được mục tiêu phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi TNMD dưới mọi hình thức; phòng chống buôn bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm con người, hạnh phúc gia đình; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ sức khỏe nhân dân, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cán bộ làm công tác PCTNXH, trưởng thôn, bản, đoàn thể xã hội đã được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng để tổ chức tốt công tác PCTNMD, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; ngoài ra những người hoạt động mại dâm, phụ nữ bị buôn bán trở về và trẻ em bị xâm hại tình dục đã được tư vấn, giúp đỡ về tâm lý, y tế, tư vấn dạy nghề, tạo việc làm tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về TNMD, HIV/AIDS, tệ nạn buôn bán người và nạn xâm hại tình dục trẻ em cho các cán bộ chủ chốt từ huyện, xã, thôn, xóm đến các gia đình có người thân bị buôn bán trở về, trẻ em bị xâm hại tình dục, người hoạt động mại dâm và bị bệnh HIV/AIDS; hàng tháng các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt nhóm giữa các hội viên thảo luận, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, giao lưu, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, tổ chức viết bài và sưu tầm các bài viết nhằm phục vụ công tác tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, thôn, xóm tập trung tuyên truyền các biện pháp hỗ trợ về tâm lý, pháp lý, y tế, tác hại của các bệnh lây qua đường tình dục, lây nhiễm HIV/AIDS thông qua các buổi tập huấn, cuộc họp tổ dân phố; tổ chức lồng ghép các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương tạo điều kiện cho phụ nữ từng hoạt động mại dâm, đối tượng có nguy cơ cao được tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm chăm sóc sức khỏe. Cùng với công tác tuyên truyền, câu lạc bộ còn tăng cường phối hợp với lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể trong đấu tranh PCTNMD, người nghiện ma túy làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng.

Năm 2011 đã thực hiện thí điểm mô hình về PCTNMD và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS tại xã Thượng Cốc (Lạc Sơn); năm 2012 tiếp tục duy trì 01 mô hình tại xã Thượng Cốc và xây dựng mới 04 mô hình trợ giúp pháp lý tại cộng đồng các xã: Mông Hóa (Kỳ Sơn); Trung Sơn (Lương Sơn); Lạc Thịnh (Yên Thủy); Sủ Ngòi (Thành phố Hòa Bình); năm 2013 xây dựng thêm 02 mô hình trợ giúp pháp lý tại xã Hạ Bì (Kim Bôi) và xã Quý Hòa (Lạc Sơn); năm 2014 xây dựng mới 1 mô hình trợ giúp pháp lý tại cộng đồng xã Bắc Sơn (Kim Bôi).

Công tác xây dựng mô hình PCTNMD trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức đoàn thể về công tác PCTNXH; qua đó cho thấy vai trò ngày càng lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là đội ngũ làm công tác PCTNXH

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng và tệ nạn xã hội nói chung, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, lấy nhân dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị là gốc, điểm tựa để triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở trên mọi lĩnh vực, đấu tranh triệt phá, giáo dục phục hồi, trao đổi thông tin; thường xuyên phát động phong trào PCTNXH ở cơ sở gắn với việc thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để mọi người tích cực tham gia các hoạt động tố giác tội phạm, cảm hóa người lầm lỡ và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng./.