Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại liên quan tới việc thu hồi đất trong thời gian tới cần có các giải pháp sau:
Một là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai, rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan đến thu hồi đất và đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai. Luật Đất đai 2013 tuy đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc thu hồi đất và bắt đầu có hiệu lực thi hành nhưng với nhiều điểm mới cần phải có thời gian để tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả của Bộ luật đối với thực tế đời sống xã hội. Việc triển khai thực hiện tốt các quy định về thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về thu hồi đất là hết sức quan trọng và cần thiết. Vì đất đai là tài sản quý giá, vừa là tư liệu sản xuất, vừa là điều kiện cần thiết trong đời sống của tất cả mọi công dân. Chính vì vậy, mà những vấn đề liên quan đến đất đai luôn là một lĩnh vực quan trọng phát sinh nhiều mâu thuẫn tranh chấp trong mọi thời kỳ, dưới.
Hai là cần phải thực hiện nghiêm túc việc công khai kế hoạch sử dụng đất tới những người bị ảnh hưởng trực tiếp; Ban Tiếp công dân tỉnh đã nghiên cứu, khảo sát qua quá trình tiếp công dân, cho thấy đây là nguyên nhân chính dẫn tới khiếu kiện, nếu thực hiện tốt công tác này thì là một trong những biện pháp giảm thiểu khiếu nại và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại về thu hồi đất.
Thu hồi đất là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng chính quyền thực hiện thu hồi đất tràn lan, có những dự án chưa được phê duyệt vẫn tiến hành thu hồi đất; việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn bất cập, chưa có cơ chế giải quyết rõ ràng, minh bạch; việc chuẩn bị phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức; một số địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu tường tận quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu kiên quyết không giải quyết dứt điểm, làm cho việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài nhiều năm….
Bên cạnh đó, nội dung khiếu nại về thu hồi đất tập trung vào việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường không thỏa đáng, không làm đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ba là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng thời kỳ và công khai kế hoạch đó tới toàn dân, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất kết hợp giải quyết tốt các khiếu kiện phát sinh từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tăng cường cơ chế đối thoại sớm giữa Nhà nước với người có đất thu hồi trước khi lập dự án, kế hoạch thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời giải quyết đồng bộ 3 vấn đề, đó là: Hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; làm tốt công tác định giá đất, cần quy định chỉ có một loại giá đất; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về khiếu nại, tranh chấp về đất đai, không để tồn đọng, kéo dài, phát sinh những điểm nóng phức tạp…
Năm là, tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại về thu hồi đất; tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, đặc biệt là sự tham gia của Hội Nông dân; mở rộng sự tham gia của luật sự và các tổ chức, cá nhân khác trong việc tư vấn cho người khiếu nại; thiết lập nhóm tư vấn giải quyết khiếu nại về đất đai, đặc biệt là việc thu hồi đất để thực hiện các dự án lớn mà có nhiều người có đất thu hồi thì cần có một nhóm gồm đại diện của cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư là những người có chuyên môn về đề án và am hiểu pháp luật về khiếu nại để tư vấn, hỗ trợ thông tin cho người khiếu nại
Sáu là, Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm việc giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành; thực hiện phương châm giải quyết các tranh chấp hành chính từ cơ sở tránh vượt cấp; rút kinh nghiệm từ việc thực hiện chủ trương giải quyết các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài theo kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng trên địa bàn tỉnh./.