DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Hòa Bình năm 2025

27/02/2025 23:32
Ngày 24/02/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Hòa Bình năm 2025.
Tăng cường truyền thông về rửa tay vệ sinh an toàn để phòng, chống dịch bệnh cho học sinh

Mục tiêu chung: Chủ động phòng ngừa, khống chế kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh lớn trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Mục tiêu cụ thể: Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư: Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc và Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, dự phòng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm; hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Thực hiện các chỉ tiêu chung về chuyên môn, kỹ thuật: Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ quy mô cấp xã các loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi (Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, VGB, Hib, Bại liệt uống, Sởi) đạt ≥ 90%; tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi - Rubella đạt ≥ 95%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng đủ mũi vắc xin uốn ván đạt >90%. 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời. 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm. 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa Nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

Thực hiện chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm: Các bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9) hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập. Các bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), Đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa xâm nhập và lây lan. Bệnh sốt xuất huyết số mắc/100.000 dân: <100/100.000 (<800 ca); hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Bệnh sốt rét bảo vệ thành quả loại trừ sốt rét. Bệnh dại hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng tỷ lệ mắc: < 100/100.000 dân: 100/100.000 (<800 ca); hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Bệnh tả, lỵ trực trùng: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng. Bệnh sởi, rubella tỷ lệ mắc: < 40/100.000 dân (<320 ca); hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.

Các giải pháp thực hiện: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Nâng cao năng lực dự báo dịch bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng để nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh. Xác định công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng phải dựa vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm trung tâm cho các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường truyền thông, thông tin đến đông đảo người dân để hiểu, an tâm, hưởng ứng, phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, bao gồm việc bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống, các quy trình, biểu mẫu thực hiện, phương tiện sử dụng phục vụ hoạt động giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng thần tốc, chính xác, đúng diện và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng. Tổ chức đào tạo, tập huấn, cập nhật các kiến thức chuyên môn cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch.

Các huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm xuất hiện trên địa bàn. Củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống tiêm chủng từ tuyến tỉnh, huyện tới tuyến cơ sở, bao gồm việc đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia triển khai công tác tiêm chủng, trang bị vật tư, trang thiết bị phục vụ hoạt động tiêm chủng cũng như việc huy động sự vào cuộc của hệ thống y tế tư nhân và toàn thể cộng đồng tham gia tổ chức hoạt động tiêm chủng bằng nhiều hình thức đồng thời phải đảm bảo đầy đủ các quy định về chuyên môn nghiệp vụ, an toàn, tiết kiệm theo quy định.  Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong việc quản lý và triển khai công tác tiêm chủng. Chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men dự phòng cho công tác phòng chống dịch bệnh./.