Sau một năm triển khai thực hiện, chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn có chuyển biến khá rõ nét; công tác phổ cập giáo dục từng bước được duy trì và nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư. Các cuộc vận động và các phong trào thi đua tại các trường khó khăn được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và có hiệu quả, qua đó, có sức lan toả mạnh mẽ, tạo được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội. Công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường vùng khó khăn được chú trọng. Trong đó tập trung bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học sát với khả năng, trình độ nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số, chú trọng phụ đạo học sinh yếu. Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường vùng khó khăn. Các hoạt động xã hội được quan tâm tổ chức nhằm tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện với học sinh. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các trường đặc biệt khó khăn tại 10 huyện trong tỉnh. Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Tăng cường huy động các nguồn lực để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các TTHTCĐ. Tiêu biểu trong hoạt động này là huyện Lạc Sơn đã xây mới 8 TTHTCĐ với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Mở rộng địa bàn hoạt động của TTHTCĐ theo hướng đưa các lớp học, các hoạt động của trung tâm về các thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tham gia học tập. Trong năm 2013, TTHTCĐ các xã vùng khó khăn huyện Tân Lạc đã mở được 87 lớp học chuyên đề với 8.320 học viên tham gia. Các TTHTCĐ huyện Yên Thủy đã tổ chức được 21 chuyên đề, lồng ghép 14 chuyên đề với các hội nghị chuyên đề của xã. Các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu và Kim Bôi là những huyện đi đầu trong việc củng cố và phát triển mạng lưới các Câu lạc bộ phát triển cộng đồng. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường vùng khó khăn. Trong năm, nhiều lượt cán bộ quản lý, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn được chọn cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trình độ chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao năng lực Tiếng Anh trong nước và tại Philipines... Tăng cường bổ sung, điều động cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết đến giảng dạy tại các trường vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư xây dựng trường học vùng khó khăn đạt chuẩn quốc gia gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2013, huyện Lạc Sơn công nhận 01 trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn đầu tiên đạt chuẩn, huyện Cao Phong công nhận 01 trường tiểu học, 01 trường mầm non vùng khó khăn đạt chuẩn, huyện Kim Bôi công nhận 01 trường tiểu học vùng khó khăn đạt chuẩn. Các phong trào thi đua được phát động và tổ chức sôi nổi, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường. Với chủ đề “Quan tâm, giúp đỡ giáo viên, học sinh vùng khó khăn”, các huyện có nhiều hoạt động như: Huyện Tân Lạc tổ chức thành công chương trình giao lưu “Tiếng hát nhà giáo vùng khó khăn”, thành phố Hoà Bình tổ chức hội thảo với chủ đề “Giao tiếp ứng xử trong gia đình- Giá trị của sự tôn trọng” và nhiều hoạt động ngoại khoá.
Có thể nói, “Năm giáo dục vùng khó khăn” là chủ đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác giáo dục- đào tạo của tỉnh, đặc biệt quan trọng đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được đề ra cho năm 2014, chắc chắn “Năm giáo dục vùng khó khăn” sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới góp phần phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.