DetailController

Tin từ các đơn vị

Nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật trên địa bàn tỉnh

18/04/2019 00:00
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có trên 22.000 người khuyết tật, chiếm khoảng gần 3% dân số của tỉnh, với các dạng tật khuyết tật như: vận động; nghe, nói; nhìn; khuyết tật trí tuệ; thần kinh, tâm thần và các dạng khuyết tật khác. Người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 10.467 người, trong đó khuyết tật đặc biệt nặng 2.456 người, khuyết tật nặng là 8.011 người. Tỷ lệ người khuyết tật có khả năng lao động chiếm trên 70%. Việc mong muốn có việc làm để tạo thêm thu nhập và giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và cộng đồng là một nhu cầu thiết yếu đối với người khuyết tật, chính vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của gia đình và sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ người khuyết tật có việc làm tạo thu nhập thì nỗ lực vươn lên của bản thân người khuyết tật là yếu tố quan trọng để giúp người khuyết tật sống hòa nhập tại cộng đồng.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đào tạo nghề mây tre đan góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người khuyết tật

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật như: Hỗ trợ con giống, vật nuôi cho người khuyết tật. Hội Bảo trợ và trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp với huyện Yên Thuỷ triển khai Dự án nuôi bò sinh sản tại xã Ngọc Lương, ngoài việc cấp bò giống, Hội còn hỗ trợ các điều kiện về chuồng trại, phối hợp tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi để người khuyết tật có kiến thức trong chăn nuôi bò. Các mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có nhiều mô hình như nuôi lợn, nuôi ong, nuôi dê, nuôi bò, nuôi vịt, gà, ngan được triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng hướng đến đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là người khuyết tật còn khả năng lao động. Tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành như: Lao động – TBXH, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng khi có các chương trình hỗ trợ sinh kế dành cho người khuyết tật đã triển khai các mô hình hỗ trợ về con giống, vật nuôi, giống cây trồng, công cụ sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất tới người khuyết tật. Các cơ sở sản xuất sử dụng lao động là người khuyết tật cũng được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, thuế, vay vốn sản xuất để phát triển kinh doanh. Công tác dạy nghề tạo việc làm cũng được quan tâm, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là: Trung tâm Minh Đức (tại huyện Lương Sơn); Trung tâm Long Thành (tại thành phố Hòa Bình); Cơ sở Thuận Hòa (tại huyện Mai Châu).

Từ năm 2012 đến nay tỉnh Hoà Bình đã tiến hành dạy nghề ngắn hạn cho hàng nghìn người khuyết tật với các nghề thủ công như may mặc, thêu tại một số cơ sở dạy nghề. Học viên khuyết tật học nghề được miễn phí toàn bộ học phí và được hỗ trợ chi phí ăn ở đi lại, sau quá trình học, học viên được Trung tâm bao tiêu sản phẩm. Đã có 296 học viên sau khi học nghề được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành, giai đoạn 2011-2015 Trung tâm đã dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho 295 học viên là người khuyết tật; ký hợp đồng với một số công ty may như: công ty may xuất khẩu Sông Đà, công ty GGS Việt Nam, công ty SMAVINA Việt Hàn để các học viên là người khuyết tật sau khi học xong đều được các công ty tiếp nhận vào làm việc; hiện tại, Trung tâm đang tổ chức sản xuất và tạo việc làm cho 35 học viên là người khuyết tật. Cở sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa tại huyện Mai Châu mỗi năm dạy nghề cho khoảng 30 học viên là người khuyết tật với ngành nghề chính là thêu, dệt thổ cẩm. Học viên sau khi được đào tạo ngắn hạn sẽ làm việc tại Cơ sở với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Những người khuyết tật tham gia học nghề đa số là những người khuyết tật nhẹ vẫn còn khả năng lao động. Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở lớp làm tăm tre, 01 lớp dạy nghề tẩm quất, cử 38 hội viên tham gia lớp học tẩm quất của Trung ương Hội người mù Việt Nam mở. Đến nay Hội đã có 14 cơ sở tẩm quất giải quyết việc làm cho 28 hội viên có thu nhập trung bình 2-3 triệu đồng/tháng; duy trì 01 tổ đóng tăm giải quyết việc làm cho 06 hội viên.

Nhờ các mô hình sinh kế như cung cấp vật nuôi, con giống, cây trồng và hỗ trợ kỹ thuật.. nhiều mô hình đã đạt được hiệu quả tích cực như mô hình nuôi bò ở huyện Yên Thủy, mô hình nuôi ong ở huyện Kỳ Sơn, mô hình nuôi dê tại huyện Lạc Thủy, mô hình nuôi gà ở huyện Lạc Sơn,... Qua đó, người khuyết tật đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, có việc làm và thu nhập giúp phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương./.