Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Châu có 26 NCT tham gia sản xuất – kinh doanh giỏi cấp cơ sở, 06 NCT sản xuất – kinh doanh giỏi cấp huyện và 01 người cấp tỉnh (kết quả do các cấp Hội bình xết dựa trên tiêu chí do Trung ương Hội NCT Việt Nam quy định). Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, có trên 1.000 NCT tham gia, tiêu biểu như gia đình ông Khà Văn Dành, Hà Văn Quang (xã Vạn Mai); ông Hà Văn Dương, Khà Văn Hùng, Ngần Văn Thoan (xã Chiềng Châu); ông Khà Văn Kiên (xã Mai Hạ); ông Bùi Văn Kế (xã Phúc Sạn), ông Giàng A Chống (xã Hang Kia)…Có được những kết quả tốt trong sản xuất có rất nhiều yếu tố song chủ yếu vẫn là kinh nghiệm sản xuất, giải pháp sản xuất linh hoạt như mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư trên cơ sở nắm bắt thị trường, điều kiện thổ nhưỡng và hợp tác trong đầu tư, trong tiến trình sản xuất, áp dụng triệt để các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Vị thế và địa bàn Mai Châu không có thế mạnh về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây các hoạt động này có những khởi sắc và đạt được những kết quả đạt đáng khích lệ. Về công nghiệp, có nhà máy giấy Hapaco Đông Bắc; Nhà máy Thủy điện Vạn Mai; doanh nghiệp Quốc Đại (xã Đồng Bảng); Nhà máy thủy điện So Lo (xã Phúc Sạn); khu công nghiệp Chiềng Châu (xã Chiềng Châu) đi vào sản xuất có hiệu quả. Toàn huyện có 659 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng như: gạch nung, gạch không nung, cát xây dựng, sản xuất tăm, đũa và khai thác bương, tre, luồng phục vụ nhà máy giấy và các xưởng tăm, đũa trên địa bàn bàn; dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch; kinh doanh xăng, dầu…hằng năm tạo việc làm cho 2.398 lao động. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có ông Trương Vĩnh Chống (tiểu khu 4, thị trấn Mai Châu), Nguyễn Văn Cự (xã Vạn Mai), bà Lò Thị Xuyến (xã Tòng Đậu), ông Nguyễn Trung Biên (xã Đồng Bảng); tập thể HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch xã Chiềng Châu…Là một lĩnh vực sản xuất với Mai Châu còn mới mẻ và quy mô chỉ ở mức khiêm tốn nhưng trong tương lai, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sẽ dần trở trành ngành tạo ra nhiều việc làm cho thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp đối với người cao tuổi nói riêng và người lao động nói chung.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, năm 2017, Mai Châu được công nhận là điểm du lịch Quốc gia, đi kèm với đó là cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ. Đến thời điểm hiện tại, huyện có gần 20 địa danh là điểm du lịch được cấp phép. Năm 2017 đón trên 300 nghìn lượt khách bao gồm cả khách quốc tế và trong nước, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 89 tỷ đồng. Toàn huyện có 146 cơ sở lưu trú, gồm 07 khách sạn, 22 nhà nghỉ và 117 nhà nghỉ cộng đồng. Trong đó, các hộ gia đình người cao tuổi đã tích cực tham gia làm dịch vụ du lịch và tạo việc làm cho nhiều người lao động có thu nhập ổn định. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có gia đình ông Hà Công Xương, Mạc Văn Khào, Mạc Công Buống (xã Chiềng Châu), Hà Đức Têu, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Văn Ngân (thị trấn Mai Châu)…Ngoài ra, trong lĩnh vực dịch vụ vận tải còn có các hộ gia đình NCT tiêu biểu: ông Trương Vĩnh Chống, Trần Đình Hiền (thị trấn Mai Châu)…Các loại hình dịch vụ khác như kinh doanh xăng, dầu, vàng bạc, dịch vụ ăn uống…cũng là lĩnh vực kinh doanh mà người cao tuổi có thể tham gia có hiệu quả, như ông Phạm Đăng Khôi (xã Bao La), Nguyễn Sóng Hồng, Nguyễn Thế Phùng, Trần Song Hào (xã Vạn Mai), Trần Văn Việt (xã Đồng Bảng), Triệu Văn Tâm (xã Tân Sơn)…
Thông qua việc tham gia sản xuất – kinh doanh, NCT đã chủ động giúp nhau bằng nhiều hình thức và quy mô khác nhau như thông qua hoạt động của tổ liên gia, tổ, hội đoàn thể chính trị - xã hội hoặc HTX để tạo điều kiện cho nhau về vốn, giống, kinh nghiệm và ngày công lao động. Qua sản xuất, kinh doanh, NCT có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ KHKT, làm giàu tri thức của mình. Cũng nhờ vậy mà bảo tồn, duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống như nghề thêu, nghề dệt thổ cẩm, đồng thời truyền thụ cho con cháu những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, kinh doanh.
Tron 5 năm qua, kết quả phong trào “Người cao tuổi tham gia sản xuất – kinh doanh” đã đạt được hiệu quả về cả chiều rộng và chiều sâu, vừa tăng được thu nhập cho NCT vừa góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Phong trào thi đua thực sự trở thành môi trường thuận lợi để NCT phát huy vai trò, kinh nghiệm, kiến thức của mình, khẳng định vị trí của NCT cũng như củng cố niềm tin của Đảng và Nhà nước đối với NCT./.