DetailController

Hội đồng nhân dân Tỉnh

Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thực hiện trình tự, thủ tục về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh

21/12/2022 00:00
Ngày 09/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 220/NQ-HĐND về tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thực hiện trình tự, thủ tục về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành, tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cơ bản đầy đủ. Tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, thiết bị, cán bộ làm công tác trong lĩnh vực đất đai cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hầu hết đều được đào tạo đúng chuyên ngành quản lý đất đai. Công tác cải cách thủ tục hành chính đã bảo đảm, không có thủ tục quy định thêm hồ sơ, giấy tờ, thực hiện cắt giảm 30% thời gian thực hiện của 10 thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện công khai thủ tục hành chính đúng quy định. Thủ tục hành chính được xử lý qua phần mềm, có phần mềm kết nối liên thông với cơ quan Thuế, đang thực hiện số hóa văn bản đang lưu trữ bằng bản cứng. 

Từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố không có viên chức bị xử lý kỷ luật vi phạm trong thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cơ bản được giải quyết theo thẩm quyền và đảm bảo thời gian theo quy định. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, bất cập đó là: Trong thực tế, tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, là một trong những điểm “nghẽn” cản trở cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Hòa Bình. 

Thái độ phục vụ người dân của một bộ phận nhỏ công chức, viên chức chưa đúng mực; còn tình trạng một bộ phận công chức, viên chức gây khó khăn khi người dân thực hiện kê khai hồ sơ về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chất lượng kê khai thấp, sai sót trong từ ngữ diễn ra nhiều, dẫn đến tình trạng hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần, cá biệt vẫn xuất hiện tình trạng yêu cầu “phí bôi trơn” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục. Một số công chức địa chính cấp xã còn lúng túng khi hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện công tác đăng ký đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cơ bản thực hiện đúng hạn, xong vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn và hồ sơ tồn đọng tại Văn phòng đăng ký đất đai và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Việc thực hiện đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất; công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chưa thực hiện thường xuyên, liên tục và thiếu đồng bộ. Việc kiểm tra, xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân chưa đảm bảo yêu cầu. Vẫn còn tình trạng tồn đọng hàng chục ngàn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa cấp được cho người dân, nhiều năm nay chưa có phương án xử lý thỏa đáng. 

Việc kiểm tra, rà soát phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp chưa thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại một số đơn vị, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; xử lý vi phạm hành chính về đất đai chưa kiên quyết, còn nể nang, ngại va chạm, do đó hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đại chưa cao.  Một số trường hợp đơn thư khiếu kiện kéo dài liên quan tới lĩnh vực đất đai đã được tích cực chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 

Những hạn chế, yếu kém, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song tập trung chủ yếu là: Hệ thống ngành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu đồng bộ, thống nhất. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp, mang tính chuyên ngành, chuyên môn cao, gây khó khăn cho cả công dân và cán bộ chuyên môn khi kê khai thực hiện thủ tục hành chính. Cơ sở vật chất của một số Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chưa đảm bảo được yêu cầu công việc. Phần mềm thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế nhất định, cần cải tiến, nâng cấp. Việc xây dựng cơ chế tự chů của đơn vị chưa được triển khai thực hiện.  Bản đồ địa chính qua thời gian dài, sử dụng đất có nhiều biến động nhưng tới nay chưa được cập nhật, chỉnh lý.... Cơ sở dữ liệu địa chính của 2 huyện Tân Lạc và Yên Thủy được xây dựng trước thời điểm sáp nhật đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 830 của Chính phủ nên chưa phù hợp với đơn vị hành chính thời điểm hiện tại. Trong quá trình sử dụng đất đai biến động nhiều về hiện trạng, loại đất, đối tượng sử dụng, hệ thống sổ sách theo dõi quản lý cập nhật biến động chưa thường xuyên nên việc xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất khó khăn do đó ảnh hưởng tới tiến độ cấp giấy chứng nhận. Người dân, chủ sử dụng đất chưa ý thức được quyền lợi của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa tự giác thực hiện trách nhiệm, chậm trễ trong kê khai, đăng ký; nhiều trường hợp còn biểu hiện trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan. Mặt khác, do giá đất tại khu vực đô thị và các xã lân cận khá cao nên nhiều hộ gia đình không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc và hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng. Công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn nhiều hạn chế. Công tác lưu trữ hồ sơ tại các cơ quan đơn vị chưa khoa học, gây khó khăn cho công tác tra cứu giải quyết đơn thư, khiếu nại. Một số cán bộ làm công tác quản lý đất đai tại cơ sở trình độ năng lực, trách nhiệm chưa cao, chưa được đào tạo, đào tạo lại…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập, cải cách mạnh mẽ công tác thực hiện các trình tự, thủ tục về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo về thời gian và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; chú trọng đến việc rút ngắn thời gian giải quyết và đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh về việc cấp phát các loại biểu mẫu, giấy tờ để tiến hành thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. 

Chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế phối hợp trong thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Quyết định số 467/QĐ- UBND ngày 14/3/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Nghiên cứu sửa đổi thủ tục hành chính “Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường” quy định tại Quyết định số 2471/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, theo hướng quy định bổ sung địa điểm nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp là Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hoặc Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dẫn và thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn. 

Có phương án chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề sai sót trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Quyết định 672/QĐ-TTg ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ

Nghiên cứu bố trí nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, sớm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sắp xếp, bố trí, giao đất cho các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để xây dựng trụ sở, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc và kho lưu trữ đảm bảo theo quy định và chỉ đạo cơ quan chuyên môn kịp thời xem xét, xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức Văn phòng đăng ký đất đai, đảm bảo đủ theo số lượng người làm việc được Ủy ban nhân dân tỉnh giao. 

Có cơ chế xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc để xảy ra tình trạng chậm, muộn, vi phạm pháp luật trong thực hiện các đê thủ tục hành chính về đất đai, đảm bảo xử lý nghiêm minh, không nể nang, né tránh. 

Nghị quyết  được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 09/12/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.