* Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Các đại biểu đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; nhiều đại biểu cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế được xây dựng khá toàn diện, bao quát và đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm. Một số đại biểu cho rằng, cần phải quyết liệt trong tháo gỡ các nút thắt về kinh tế, khơi thông nguồn lực tạo động lực phát triển. Cần có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chi tiết thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu. Đặc biệt là cần có lộ trình cụ thể về thời gian và lộ trình thực hiện các chỉ tiêu. Đối với những chỉ tiêu mới được bổ sung, phải phân tích rõ trong tình hình bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn rất khó lường như hiện nay. Sau đó đưa ra kịch bản cụ thể để thực hiện chỉ tiêu nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai sau này. Cần quan tâm đến các giải pháp của nền kinh tế. Trong đó, đề nghị phân tích, đánh giá việc thực hiện đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công và hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp được nhiều đại biểu tham gia cho ý kiến bởi đây là trụ đỡ đặc biệt quan trọng của nền kinh tế. Các đại biểu cho rằng tình hình kinh tế còn khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời có những kịch bản đối phó với kinh tế vĩ mô bất ổn. Chính phủ tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gắn với triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng tập trung cả vốn Trung ương và địa phương, phối hợp vốn đầu tư Trung ương - địa phương, giữa các địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng thích ứng với dịch bệnh an toàn. Trong đó, ưu tiên tiêm vắc xin để bảo vệ người dân trước dịch bệnh; bảo đảm để hệ thống y tế không bị quá tải và có đủ năng lực để ứng phó trên cơ sở nâng cao chất lượng vận hành hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng trong giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, khống chế kịp thời sự lây nhiễm; điều trị sớm và bảo đảm năng lực điều trị cũng như chăm sóc hồi sức cấp cứu, thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an toàn tín mạng và sức khỏe Nhân dân.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./. Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lê Huệ (CTTĐT)