Công tác tư vấn giới thiệu việc làm được tăng cường. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp so với tổng số lao động của tỉnh giảm từ 68% năm 2015 xuống còn 60,8% năm 2019, ước cuối năm 2020 giảm còn 59%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,5% xuống còn 2,8%, ước cuối năm 2020 giảm còn 2,6%. Tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Trong 5 năm tuyển sinh đạt 78.669 người (cao đẳng 1.702 người, trung cấm 11.315 người, sơ cấp 31.026 người, dạy nghề dưới 3 tháng 34.626 người). Thông qua công tác giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2019 tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 54,2%; ước hết năm 2020 đạt 56%, vượt chỉ tiêu 1%. Dạy nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được thực hiện đạt kết quả, tổ chức đào tạo 1.129 lớp với 44 nhóm nghề cho 32.100 người, kinh phí 65,7 tỷ đồng. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm luôn đạt trên 80%.
Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi về tín dụng, y tế, giáo dục, đầu tư hạ tầng, phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả. Trong 5 năm, đã cấp 2.690.156 lượt thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, hộ dân tộc thiểu số, các đối tượng bảo trợ xã hội; có 122.852 lượt khách hàng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong đó có 37.065 lượt hộ nghèo, 21.465 lượt hộ cận nghèo, 6.453 lượt hộ mới thoát nghèo; có 253 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn Quỹ ngày vì người nghèo và các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ. Đã có 578 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai với sự tham gia của 34.081 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 1.029 công trình bao gồm công trình giao thông, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và hạng mục phụ trợ, công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, công trình điện và một số công trình khác trên địa bàn các huyện nghèo và xã thuộc Chương trình 135; các công trình được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đã và đang phát huy hiệu quả làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 24,38% xuống còn 11,36%, ước cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh gảm còn 8,6%, bình quân mỗi năm giảm 3,16% vượt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, hằng năm thực hiện chu đáo việc thăm hỏi tặng quà đến người có công và các thân nhân trong Tết Nguyên đán, ngày 27/7. Giải quyết việc làm kịp thời chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân. Hiện toàn tỉnh có trên 10.200 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trên địa bàn tỉnh không có hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết. Thực hiện điều dưỡng tập trung cho 5.973 lượt người có công, điều dưỡng tại gia đình 10.782 lượt người có công với kinh phí thực hiện trên 25 tỷ đồng. Hoàn thành việc hỗ trợ 3.289 hộ người có công làm nhà ở. Huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đạt trên 5 tỷ đồng/năm, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 412 nhà hộ người có công với số kinh phí trên 11 tỷ đồng, tặng 838 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 99,5% số hộ gia đình người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình so với nhân dân trên cùng địa bàn nơi cư trú./.