DetailController

CNTT và Viễn Thông

Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho năm học 2021 - 2022

29/09/2021 00:00
Ngay từ đầu năm học 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho ngành. Bao gồm: Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021 - 2026 và định hướng đến năm 2030; Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển chính quyền số và đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường các điều kiện đảm bảo và ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức có hiệu quả các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; góp phần duy trì các hoạt động dạy - học, kiểm tra, đánh giá của năm học 2021-2022 trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đầu tư cơ sở vật chất phòng tin học tại các trường học, nâng cao chất lượng giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Tăng cường áp dụng hình thức dạy học trực tuyến theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với điều kiện, nhu cầu của mỗi nhà trường, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học trong điều kiện dịch Covid-19 còn phức tạp. Các cơ sở giáo dục lưu ý tổ chức lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện, để sẵn sàng áp dụng khi học sinh không thể đến trường do dịch Covid-19; sử dụng tối đa lợi ích phần mềm quản lý học tập (LMS) mang lại, giúp học sinh học chủ động hơn và giảm tác động khi đường truyền Internet quá tải. Tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục kỹ năng quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, tăng cường hình thức tập huấn trực tuyến, huy động đội ngũ giáo viên nòng cốt tham gia hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp; phối hợp với phụ huynh triển khai các hoạt động giáo dục trực tuyến, đặc biệt đối với học sinh tiểu học; đảm bảo tổ chức dạy, học trực tuyến an toàn và hiệu quả trên môi trường mạng. Tận dụng tối đa nền tảng trực tuyến triển khai có hiệu quả các hoạt động như: Hướng dẫn học sinh tự học, giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình trong triển khai các hoạt động giáo dục. Tăng cường nguồn học liệu số đảm bảo chất lượng hỗ trợ kịp thời cho giáo viên, học sinh, phụ huynh triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến; khuyến khích giáo viên tham gia Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử của ngành Giáo dục; huy động giáo viên tham gia đóng góp nguồn học liệu để chia sẻ dùng chung; phát huy vai trò của tổ chuyên môn trong đánh giá, lựa chọn học liệu số trước khi đưa vào sử dụng ở nhà trường; hướng dẫn giáo viên tham khảo các nguồn tài nguyên giới thiệu từ website Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên mục “Hỗ trợ dạy học trực tuyến”.

Lập kế hoạch xây dựng, triển khai nền tảng, giải pháp phần mềm quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến theo hướng kết hợp, tích hợp các chức năng của các Hệ thống quản lý học tập trực tuyến, Hệ thống quản lý nội dung học tập với phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp; kết nối trao đổi dữ liệu với phần mềm quản lý trường học theo mã định danh và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, hướng đến việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến có sự thống nhất, đồng bộ cao trong mỗi nhà trường, trên mỗi địa bàn, trên nền tảng dùng chung của tỉnh, của cả nước. Phát triển hệ thống thư viện điện tử (bao gồm: Phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách, tài liệu phục vụ dạy học), kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài liệu số hóa giữa các cơ sở giáo dục. Thí điểm triển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của mỗi nhà trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục và quản lý Nhà nước về giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch. Triển khai nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục, tạo môi trường làm việc, tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và hướng đến là người học; phần mềm quản trị nhà trường phải đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kết nối trao đổi liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu, tích hợp hoặc triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử; triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như: Tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục. Tiếp tục triển khai hệ thống thông tin quản lý ngành Giáo dục (tại địa chỉ csdl.moet.gov.vn) đảm bảo phục vụ tất cả cơ quan quản lý giáo dục. Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên triển khai dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office), liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa tất cả các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Triển khai ứng dụng an toàn Covid-19 (antoancovid.vn) tới 100% cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học, giúp công khai thông tin và chuẩn bị tốt điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh trong nhà trường./.