Sở đã ban hành văn bản tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, về cho học sinh, sinh viên nghỉ học; văn bản phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, phòng chống dịch bệnh; văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học quán triệt và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn học sinh nghỉ học, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch học bổ sung chương trình học kỳ II, tổ chức cho giáo viên và học sinh học tập, ôn luyện trực tuyến, ôn tập tại nhà, phối hợp cung cấp thông tin người thân từ nước ngoài trở về ... Bên cạnh đó chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên ngành Giáo dục.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở chỉ đạo tăng cường việc dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình một cách phù hợp. Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện việc dạy học trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung ôn tập 3 môn đối với lớp 9 và 9 môn đối với lớp 12. Thành lập đội ngũ giáo viên cốt cán cấp THCS, THPT tham gia dạy ôn tập trên truyền hình. Lựa chọn khung giờ phát sóng trên truyền hình đảm bảo chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chỉ đạo giáo viên các bộ môn các cấp chuẩn bị các điều kiện cho học sinh ôn thi và chuẩn bị thi tuyển học kỳ II, thi tuyển vào các cấp.
Nhìn chung, 100% các đơn vị, trường học áp dụng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, quản lý tốt sức khỏe trẻ em, học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn trường, lớp học, cầu thang, phòng nội trú, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng, các chất tẩy rửa thông thường và thuốc khử trùng cloramin B...Các công tác khác được thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo, không phát sinh trường hợp phức tạp trên địa bàn. Về việc học tập, 100% các đơn vị, trường học đã phổ biến lịch phát sóng cho học sinh tham gia học tập trên truyền hình của Đài Phát Thanh Truyền hình tỉnh và các chương trình tiếp sóng về dạy học trên truyền hình. Một số trường THPT, THCS đã phối hợp với VNPT, Viettel tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến. Chỉ đạo các giáo viên tổ chức ôn tập, giao bài tập cho học sinh, hướng dẫn học sinh học tập tại nhà thông qua các ứng dụng trên Internet. Hiện nay, theo báo cáo của các đơn vị, trường học, số học sinh trung học có điều kiện tiếp cận tốt với các bài giảng trực tuyến qua mạng chỉ đạt 30%; đối với cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 5,5%, học trên truyền hình đạt 3,5%, 64% học sinh không thể tiếp cận và ứng dụng học trực tuyến, học trên truyền hình.
Hiện các nhà trường xây dựng kế hoạch, thực hiện việc tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình giáo dục. Các trường Tiểu học, Tiểu học và Trung học cơ sở đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: nghiên cứu, tổ chức lựa chọn bộ Sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. Tính đến nay, chưa có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên ngành GD&ĐT Hòa Bình bị lây nhiễm Covid-19.
Nhìn chung, cùng với cả nước và các ngành khác, ngành GD&ĐT tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 như: Việc nghỉ học của học sinh trong thời gian dài đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT và Kế hoạch thời gian năm học của tỉnh, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là các em tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Nhiều địa phương, gia đình không có kết nối internet nên ảnh hưởng tới việc học của học sinh.
Từ khi dịch bùng phát đến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện nay, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, có 02 nhà giáo, người lao động bị chấm dứt hợp đồng; 236 nhà giáo, người lao động chưa được trả lương từ tháng 2-4/2020; 121 nhà giáo, người lao động bị hoãn hợp đồng lao động. Ngoài ra có 29 nhóm trẻ gia đình và 131 nhà giáo đang phải nghỉ việc không lương….Bên cạnh đó, việc nghỉ học kéo dài gây ảnh hưởng tới chất lượng học tập và tâm lý của học sinh, sinh viên.
Trước những khó khăn trên, ngành GD&ĐT đề nghị các cấp xem xét trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020. Đề xuất gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và lương để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. Xem xét hỗ trợ chi phí mua sắm trang thiết bị, vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19. Bố trí kinh phí, trang thiết bị hạ tầng CNTT để đảm bảo sự tiếp cận của 100% học sinh trên toàn tỉnh./.