DetailController

CNTT và Viễn Thông

Ngành GD&ĐT đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và giảng dạy

24/09/2020 00:00
Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT của tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về công nghệ thông tin (CNTT). Thực hiện triển khai trải nghiệm sáng tạo khoa học công nghệ trên nền tảng Micro:bit và giáo dục STEM đến 47 trường Tiểu học, THCS và TH&THCS. Đã có rất nhiều sản phẩm sáng tạo tham gia các cuộc thi và có 1 sản phẩm đạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho thanh thiếu niên toàn quốc.
Ngành GD&ĐT của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học

Thực hiện việc sử dụng sổ sách điện tử trong các nhà trường, Sở GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo các nhà trường triển khai các hệ thống: Cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục và đào tạo, quản lý nhà trường (SMAS, VNEdu), quản lý thư viện, quản lý tài chính, quản lý phổ cập... Kết quả hiện nay các loại sổ sách như sổ điểm, sổ phổ cập, sổ đăng bộ, hồ sơ giáo viên, thư viện, hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục, sổ tài sản, số liệu thống kê về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính đã được số hóa. Phần mềm SMAS của Viettel và VnEdu của VNPT đã được triển khai đến 100% cơ sở giáo dục đã hỗ trợ tốt trong việc quản lý học sinh, tổng kết điểm và phục vụ chuyển thông tin cho cơ sở dữ liệu toàn ngành về GD&ĐT. Phần mềm kế toán MISA đã được triển khai đến tất cả các trường THPT, các trường Mầm non, Tiểu học, THCS một số huyện, thành phố tự chủ về tài chính cũng đã và đang được triển khai phần mềm MISA.

Tình hình gửi nhận văn bản điện tử (qua website, email) hiện nay cho thấy có 98% số văn bản của Sở thực hiện qua hình thức điện tử, 2% các văn bản không qua hình thức điện tử là các văn bản có tính mật hoặc liên quan đến công tác thanh tra khiếu tố, các văn bản không được phép công khai. Khi triển khai gửi nhận văn bản điện tử đã tiết kiệm chi phí bưu điện, chi phí in ấn, tránh được sự thất lạc và rất kịp thời phục vụ tốt công tác trao đổi thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Các loại sổ sách điện tử được lưu trữ khi cần truy vấn thực hiện nhanh chóng, chính xác. Các số liệu được cập nhật đầy đủ phục vụ tổng hợp kịp thời các báo cáo thống kê và hỗ trợ lập kế hoạch. Hiện nay, việc cấp phát và cấp phát lại văn bằng chứng chỉ  và chuyển trường cho học sinh đều đang được thực hiện mức độ 3 dịch vụ công trực tuyến. Sở GD&ĐT có quy chế về việc tổ chức hội nghị, hội thảo, giao ban trong đó coi trọng hình thức trực tuyến để giảm chi phí đi lại và công tác phí, tăng cao hiệu quả của hội nghị. Sở GD&ĐT hàng tháng đều tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các Phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc, ngoài ra còn có các hội nghị chuyên đề, hội nghị bất thường.

Nhằm tiết kiệm chi phí và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tổ chức nhiểu khóa tập huấn, bồi dưỡng qua mạng và nhận được sự đánh giá cao từ giáo viên tham dự khóa học. Tình hình ứng dụng việc dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi qua hệ thống họp trực tuyến cũng được triển khai. Trong năm học 2019 - 2020 thực hiện dự 58 giờ đánh giá giáo viên chủ yếu thực hiện đánh giá giáo viên các Trường phổ thông DTNT. Tình hình trang bị các thiết bị phục vụ họp qua mạng được quan tâm, hiện toàn ngành có 72 phòng họp, đào tạo trực tuyến được đầu tư lắp đặt đồng bộ, trong đó 22 phòng lắp đặt theo mô hình phòng hội thảo, 50 phòng lắp đặt theo mô hình phòng đào tạo.

Về việc ứng dụng CNTT trong công tác dạy - học và triển khai chương trình công nghệ giáo dục và e - Learning, trong năm học 2019 - 2020 đã thay đổi được cơ bản về nhận thức của giáo viên về ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, nhiều giáo viên đã ứng dụng CNTT trong các giờ lên lớp. Ngành có nhiều giải pháp để khuyến khích giáo viên tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy như: Các tiết dạy thao giảng được cộng điểm khuyến khích nếu sử dụng CNTT hỗ trợ giảng dạy; các giáo án điện tử được xếp loại được đánh giá như một sáng kiến kinh nghiệm. Việc ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học tương đối hiệu quả đề nghị Bộ GD&ĐT cần có thư viện bài giảng chuẩn để giáo viên có thể khai thác phục vụ dạy và học. Công tác đầu tư hạ tầng cơ sở CNTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng được quan tâm. Đến nay đã lắp đặt đường truyền Internet đến tất cả các cơ sở giáo dục. Trong năm học 2019 - 2020 đầu tư và thay thế được 30 phòng máy tính đồng bộ tối thiểu 20 máy. Đầu tư được 35 phòng học có ứng dụng CNTT (phòng có máy chiếu, máy tính, phần mềm, thiết bị CNTT phục vụ dạy học)./.