DetailController

Kinh tế

Ngành Công Thương triển khai linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp và đạt những kết quả tích cực

21/05/2024 16:30
Từ đầu năm đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, một số ngành quan trọng tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai hiệu quả. Qua đó đóng góp tích cực vào những thành quả của ngành Công Thương của tỉnh trong 6 tháng đầu năm.
Hoạt động sản xuất của ngành chế biến chế tạo, sản xuất khoáng sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.

Về sản xuất công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt nhằm ứng phó với tình hình phát triển kinh tế không đồng đều của thế giới và hỗ trợ cac ngành trong nước tăng trưởng của Chính phủ như: Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam"… Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh, nhất là ngành chế biến chế tạo, sản xuất khoáng sản duy trì mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên do tình trạng thời tiết năm nay nắng nóng, khô hạn kéo dài, lượng nước về hồ Hòa Bình thấp nên ngành điện gặp khó khăn. Sản lượng điện 6 tháng ước đạt 3.186,5 triệu Kwh (đạt 36,63% so với kế hoạch năm), điện thương phẩm ước đạt 664,9 triệu Kwh (đạt 48,18% so với kế hoạch).

Thị trường hàng hóa sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa. Các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ 30/4 và 1/5 nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có nhiều biến động. Các nhóm hàng khác tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 36.150 tỷ đồng tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,62% kế hoạch năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 5 nhóm hàng: Nhóm hàng linh kiện điện tử (17 doanh nghiệp), nhóm dệt may (21 doanh nghiệp), nhóm hàng kim loại (02 doanh nghiệp), nhóm hàng nông sản (09 doanh nghiệp) và nhóm hàng hóa khác (17 doanh nghiệp). Các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ. Từ đó, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu ước đạt 969,039 triệu USD, tăng 26,48 % so với cùng kỳ, thực hiện 48,48% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 685,275 triệu USD, tăng 17,61% so với cùng kỳ, thực hiện 49,8% kế hoạch năm. Một trong những điểm tích cực là kim ngạch nhập khẩu của tỉnh chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cho thấy những dấu hiệu trong phục hồi trong sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng khoảng 0,22% so với cùng kỳ. Hệ thống lưới điện quốc gia đã cấp điện cho 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên ước đạt 100%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương của tỉnh cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, diễn biến thời tiết luôn bất thường, nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho sản xuất điện và công tác đảm bảo điện phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển chưa đồng đều ở các địa phương nhất là các địa phương khu vực miền núi. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp còn chậm.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, 6 tháng cuối năm, của ngành Công Thương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu nâng chỉ số sản xuất công nghiệp đa số các địa phương phấn đấu đạt trên 12%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt trên 18%; tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt trên 1.031 triệu USD, để cả năm  đạt khoảng 2.000 triệu USD.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024 đã đề ra, thời gian tới, ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch, chương trình công tác năm 2024 đảm bảo đúng tiến độ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Tập trung đẩy nhanh các dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự ánsản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; theo dõi bám sát tình hình sản xuất kinh doanh đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh phân phối. Từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, lắp ráp, công nghiệp quốc phòng, an ninh; chú trọng các ngành có lợi thế cạnh tranh. Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường giá cả, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối, khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thương mại. Tích cực, chủ động thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen,... Triển khai lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa... Nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội, thách thức của các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã, sẽ ký kết giúp doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại./.