Tới nay, sau 03 năm thực hiện Đề án, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 0,41%/năm, đạt 4,56% mục tiêu của đề án. Diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp (khu, cụm công nghiệp) khoảng 6.113,48 ha, đạt 132,9% mục tiêu của đề án. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2023 đạt 39,47%, đạt 73,09% mục tiêu của đề án. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%, đạt 100,1% mục tiêu của đề án. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp là 46,77%, đạt 58,46% mục tiêu đề án; các cụm công nghiệp là 41,3%, đạt 82,4% mục tiêu của đề án.
Số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận: Hằng năm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện đánh giá, rà soát các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt đủ tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ để xem xét, đánh giá công nhận; đồng thời chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận tiếp tục tập trung hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó: Có 02 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến (02 làng nghề nấu rượu); 07 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát; 02 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tổng số lao động của các làng nghề khoảng 1.300 người.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra. Hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp triển khai đầu tư chậm, tỷ lệ lấp đầy diện tích khu, cụm công nghiệp còn thấp; hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực cho phát triển công nghiệp hiệu quả còn thấp; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư còn chậm. Số dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đạt kết quả chưa cao, vốn đăng ký đầu tư còn nhỏ. Hoạt động khuyến công hiệu quả chưa cao, chưa xác định được các mô hình hiệu quả tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế. Nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản chưa ổn định, đầu ra của một số sản phẩm công nghiệp chưa thực sự ổn định. Tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển tương xứng, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chưa có cơ chế để phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Đề án số 07, ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường với trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ; chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản; vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử,... trên cơ sở phát triển các khu chế biến và các vùng nguyên liệu phụ trợ, các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Tập trung vận động, thu hút các dự án công nghiệp lớn, các doanh nghiệp có uy tín, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, khuyến khích đầu tư công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn... để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó lan tỏa, lôi cuốn các doanh nghiệp khác vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp nằm trong vùng động lực và các dự án trọng điểm của tỉnh. Thực hiện tốt các phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.
Quản lý chặt chẽ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người lao động hiểu và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tuân thủ quy định đối với các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo vấn đề về môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Quan tâm đầu tư và nâng cấp hệ thống lưới điện đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các dự án trong việc đấu nối cung cấp điện, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư, các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án có nhu cầu tiêu thụ điện./.