Toàn tỉnh hiện có 6.338 biên chế giáo viên Mầm non, 5596 biên chế giáo viên Tiểu học, 4.713 biên chế Trung học cơ sở, 272 biên chế khối các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp chiếm từ 89,1-100%. Cơ cấu nhà giáo trẻ dưới 40 tuổi đạt 48,3%, nhà giáo từ 40- đến 50 tuổi chiếm 41,3%. Ngành Giáo dục luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được quan tâm. Đa số nhà giáo đều có ý thức đi đào tạo nâng cao trình độ, được tham gia các khóa bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác giảng dạy và quản lý; có ý thức phấn đấu, rèn luyện về tư tưởng chính trị, tu dưỡng về đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành trong công tác.
Mặc dù đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn cao, nhưng đội ngũ giáo viên cốt cán có trình độ, năng lực chuyên môn cao còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018; đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học được giao hiện nay còn thiếu so với nhu cầu. Đặc biệt sau khi sáp nhập, một số giáo viên phải tham gia dạy cả hai cấp học tiểu học và trung học cơ sở, dẫn đến khó khăn trong việc tính biên chế giáo viên theo định mức.
Để khắc phục những hạn chế, tận dụng được cơ hội, thách thức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; làm cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngày 30/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3196/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Hòa Bìnhgiai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030. Đề án tập trung vào các mục tiêu nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo quy định, chú trọng đến đào tạo mới và đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên và quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện quy hoạch.
Như vậy, mục tiêu của Đề án là sự tiếp tục quan điểm đổi mới giáo dục, thể hiện quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn để tạo bước đột phá đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Đề án đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới, gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông; bố trí, sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học; đổi mới công tác quản lý nhà nước về biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo./.