DetailController

Trồng trọt

Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

16/05/2022 00:00
Giai đoạn 2012-2021, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trình độ khoa học và công nghệ của tỉnh ngày được nâng lên, được thể hiện qua các chỉ số về tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động ngày càng tăng lên, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Các đơn vị khoa học đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học để khảo nghiệm, chọn tạo các giống mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặc dù điều kiện kinh tế, ngân sách, song tỉnh vẫn tỉnh vẫn dành sự quan tâm, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ. Kinh phí đầu tư tăng dần qua các năm và đạt 0,85% tổng chi ngân sách tỉnh. Kinh phí ngoài ngân sách từ các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân chiếm trên 112% tổng mức kinh phí từ ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức, bộ máy và chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ được đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Tổng số đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác khoa học và công nghệ hiện có 366 người/85 vạn dân, chiếm 0,043%. Trong đó trình độ Tiến sĩ có 3 người, Thạc sĩ 38 người, Đại học, Cao đẳng 325 người. Độ tuổi dưới 45 tuổi là 230 người, trên 45 tuổi là 136 người. Nhân lực tập trung nhiều nhất thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp có 200 người, nhân lực thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ có 64 người. Các tổ chức thường xuyên được củng cố, tổ chức theo hướng tinh gọn. Nguồn nhân lực có chuyên môn đa lĩnh vực, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cho các cán bộ, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Hoạt động ươm tạo, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ được quan tâm. Tỉnh đã hỗ trợ thành lập 21 tổ chức khoa học công nghệ. Hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ ngoài công lập đã được quan tâm, đẩy mạnh, với phương châm lấy doanh nghiệp khoa học công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tổng số vốn của các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ chiếm trên 70% tổng mức kinh phí từ ngân sách tỉnh. Tổng giá trị tài sản ước tính đạt 880 tỷ đồng. Trong đó, tài sản thuộc tổ chức khoa học công nghệ công lập là 530 tỷ đồng, tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập là 198 tỷ đồng, doanh nghiệp khoa học công nghệ 152 tỷ đồng.

Với sự lớn mạnh về đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và sự hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, đến nay tỉnh đã triển khai 4 nhiệm vụ cấp quốc gia, gồm: Sản xuất thử nghiệm cây dược liệu tại huyện Lạc Thủy; Bảo tồn nguồn gen cây tai chua; Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cây cam, quýt; đề xuất phương án định cư ổn định lâu dài và giải pháp sử dụng đất hợp lý tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 18,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 17 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi; tổng kinh phí thực hiện là 106 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương là 48 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 3 tỷ đồng và huy động từ người dân, doanh nghiệp là 55 tỷ đồng. Nhìn chung, các đề tài, dự án đã bám sát những vấn đề căn bản, cấp thiết, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Một số đề tài có hàm lượng khoa học cao; các kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều đề tài, dự án được áp dụng vào sản xuất tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Có thể thấy 10 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động dần tăng lên, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hòa Bình tăng từ 23,08% năm 2016 lên 30,24% năm 2020; năng suất lao động tăng từ 5,25% năm 2016 lên 8,33% năm 2020; chỉ số đổi mới công nghệ, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao tăng dần qua các năm, đến năm 2021 đạt khoảng 10%. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng GRDP của tỉnh./.