Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 01/2020, cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh; trong đó 29 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng và Quyết định công nhận cho 1.610 sản phẩm của 928 chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đề xuất 5 sao; 527 sản phẩm đạt 4 sao và 1.018 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình được đánh giá là mang lại hiệu quả và tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Tại tỉnh Hòa Bình, trong năm 2019 đã có 11/11 huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá cho 53 sản phẩm và có 34/53 sản phẩm đạt trên 50 điểm gửi hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả đánh giá, phân hạng cấp tỉnh có 27/34 sản phẩm được Hội đồng thẩm định, đánh giá, xếp hạng tỉnh chấm đạt trên 50 điểm trình UBND tỉnh Quyết định công nhận cho 27 sản phẩm của 21 chủ thể kinh tế (Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất) tham gia Chương trình OCOP, trong đó gồm: 09 sản phẩm đạt hạng 4 sao (****): 18 sản phẩm đạt hạng 3 sao (***) được công nhận trong phân hạng đợt 1 và đợt 2.
Đánh giá bước đầu, sau hơn 1,5 năm triển khai Chương trình OCOP đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, đang tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế nông thôn, được người nông dân ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số khó khăn như: Hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, nhiều cán bộ có nhận thức chưa rõ về bản chất và nguyên tắc của Chương trình OCOP; Tiến độ triển khai chu trình thường niên tại cấp huyện, thành phố còn chậm chưa đảm bảo yêu cầu về thời gian theo đúng chu trình thường niên quy định; Chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của một số chủ thể đơn lẻ, có tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng; Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế; Công tác xúc tiến thương mại còn chưa tập trung, khâu tổ chức còn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP…
Do vậy, để nâng cao hiệu quả và chất lượng trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) năm 2020 theo đúng chu trình thường niên và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giao cho các huyện, thành phố theo đúng kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh (thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quôc gia tỉnh); UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung chương trình OCOP năm 2020. Trong đó phải thông báo danh mục 54 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Sở NN&PTNTN (cơ quan thường trực chương trình) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các huyện triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình OCOP ở các huyện, thành phố; Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trước 30/10/2020. Thực hiện rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng, không chạy theo thành tích. Phối hợp tổ chức, tham gia hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP do Trung ương và các địa phương tổ chức năm 2020.
Các sở, ban, ngành thành viên BCĐ phải tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ triển khai chương trình OCOP, tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý sản phẩm OCOP, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...theo quy định của pháp luật. Thực hiện xúc tiến đầu tư thương mại đối với các sản phẩm. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, tuân thủ đúng chu trình OCOP, tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tăng cường công tác quản lý, xúc tiến thương mại, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…./.