Theo số liệu thống kê của Hội Khuyến học tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 2.045/2.068 xóm, bản, tổ có câu lạc bộ phát triển cộng đồng thôn với 4.724 nhóm thành viên, có 132/210 Trung tâm học tập cộng đồng có trụ sở hoạt động riêng, 210/210 Trung tâm học tập cộng đồng đã khắc dấu. 100% Trung tâm học tập cộng đồng có nối mạng internet phục vụ khai thác tài liệu hoạt động chuyên đề. 210/210 Trung tâm học tập cộng đồng có tủ sách cộng đồng. 134/210 Trung tâm học tập cộng đồng được trang bị loa đài; có 3.751 giáo viên hướng dẫn viên, cộng tác viên dạy chuyên đề cấp huyện và cấp xã.
Các Trung tâm học tập cộng đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức đi trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng. Đặc biệt là quan tâm phát triển các câu lạc bộ phát triển cộng đồng thôn. Các Trung tâm học tập cộng đồng tập trung tổ chức những hoạt động thiết thực thuộc một số lĩnh vực chủ yếu như: giáo dục, chăn nuôi, trồng trọt, y tế, nghề thủ công, phát luật, văn hóa văn nghệ…
Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, các Trung tâm học tập cộng đồng trên toàn tỉnh đã tổ chức giáo dục, huấn luyện, thông tin tư vấn… cho gần 3,6 triệu lượt người dân tham dự. Đặc biệt, các chuyên đề, hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng với những nội dung thiết thực như xóa mù chữ, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn pháp luật…
Tuy nhiên, hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất còn thiếu, kinh phí hoạt động hạn chế; công tác phối hợp còn hạn chế; một số hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng chưa hấp dẫn người dân, chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Nguyên nhân là do trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, hướng dẫn viên còn hạn chế, chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng từ số lượng đến chất lượng do thiếu kiến thức chuyên ngành, tài liệu tham khảo, phương pháp giảng dạy.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các Trung tâm học tập cộng đồng cần tích cực thực hiện việc điều tra nhu cầu người học, phát triển các câu lạc bộ cộng đồng. Có kế hoạch cụ thể về xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, hướng dẫn viên có đủ kinh nghiệm và năng lực hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới Trung tâm học tập cộng đồng, đầu tư các thiết bị phục vụ hoạt động. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực hỗ trợ hợp pháp cho hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Tổ chức đa dạng, linh hoạt các hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người. Đồng thời các Trung tâm học tập cộng đồng cũng cần tiếp tục tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo về xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng./.