DetailController

Văn hóa

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản

21/01/2010 00:00

Trong những năm qua, hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh Hoà Bình phát triển khá nhanh cả về quy mô số lượng và chất lượng, góp phần tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhìn chung công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh ta có khá nhiều ấn phẩm xuất bản.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng hiện nay của hoạt động xuất bản, đã xuất hiện một số ấn phẩm có nội dung xấu đang lưu hành trôi nổi trên thị trường; nhiều ấn phẩm còn vi phạm Luật Xuất bản; phát hành không đảm bảo theo quy định của một số nhà Xuất bản… Từ những vấn đề nêu trên việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản đang là một trong những vấn đề cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay.
Tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa có nhà Xuất bản. Việc xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng như các xuất bản phẩm nói chung của tỉnh chủ yếu phải phối hợp với các nhà Xuất bản ở các tỉnh, thành phố. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 01 siêu thị sách và 27 cơ sở phát hành sách, báo, xuất bản phẩm. Nhìn chung, các cơ sở phát hành trong tỉnh đã dần dần thích ứng với cạnh tranh thị trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế, chủ động tìm hiểu nắm bắt thị trường, thu hút nguồn hàng, quản lý sản phẩm hiệu quả đáp ứng cung - cầu hợp lý. Tuy nhiên, công tác xuất bản, phát hành sách báo trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những hạn chế như: tính cạnh tranh chưa cao, các loại xuất bản phẩm chưa phong phú; phần lớn là các loại sách giáo khoa và sách tham khảo của học sinh. Trong hoạt động phát hành, việc lưu giữ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của xuất bản phẩm nhìn chung các cơ sở đều thực hiện đúng quy định.
Trong lĩnh vực hoạt động xuất bản Bản tin, tài liệu không kinh doanh, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 21ấn phẩm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xuất bản. Các ấn phẩm chủ yếu thông tin tuyên truyền, hướng dẫn về kiến thức chuyên ngành; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phổ biến các văn bản pháp quy, tài liệu giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh; tuyên truyền hoạt động của cơ quan đơn vị; các ngày lễ kỷ niệm… Nhìn chung, các ấn phẩm đều có nội dung tốt, phong phú đa dạng phản ánh trên các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Các ấn phẩm có nội dung thông tin phong phú, phát hành định kỳ thường xuyên như: Bản tin Thông tin sinh hoạt chi bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bản tin Tư pháp Hoà Bình, bản tin Công thương Hoà Bình, bản tin Kinh tế Khoa học và Công nghệ, Thông tin Tuổi trẻ Hoà Bình, nội san Trường Chính trị Hoà Bình…Tuy vậy, khó khăn chung hiện nay đối với công tác xuất bản của hầu hết các sở, ban, ngành là kinh phí thực hiện (các đơn vị chủ yếu trích kinh phí xuất bản từ nguồn chi phí thường xuyên của đơn vị). Chính vì vậy nên nhiều đơn vị không đủ điều kiện để duy trì thường xuyên, liên tục.
Qua theo dõi công tác quản lý lưu chiểu các ấn phẩm là bản tin và tài liệu không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhận thấy rằng tuy xuất bản chưa nhiều nhưng vẫn còn một số vi phạm như: khuôn khổ chưa đúng quy định của bản tin, không thực hiện hoặc nộp lưu chiểu chậm, quảng cáo trong bản tin, không ghi hoặc ghi không đầy đủ những thông tin mang tính bắt buộc...
 Về hoạt động In, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình phát triển khá nhanh, cả về số lượng, chất lượng sản phẩm, quy mô, đầu tư công nghệ, năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển chung kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Năm 2007, từ chỗ chỉ có một Công ty in được thành lập (nay là Công ty CP in 26/3) đi vào hoạt động thực hiện việc in báo Hoà Bình của Đảng bộ tỉnh và các loại tài liệu, sách, tạp chí của địa phương. Đến nay toàn tỉnh có thêm 04 cơ sở in tư nhân được phép in xuất bản phẩm, 104cơ sở in lưới và photcoppy. Tuy hoạt động in trên địa bàn chưa nhiều nhưng qua công tác kiểm tra theo dõi còn bộc lộ những hạn chế cần phải chấn chỉnh, đó là: các cơ sở in còn phát triển tự phát manh mún, trong hoạt động không lập sổ nhật ký theo dõi theo quy định, không thực hiện việc ghi các thông tin về nơi in, số lượng in trên xuất bản phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế nêu trên là do các cơ sở, doanh nghiệp in, xuất bản, phát hành không cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật liên quan; chưa ý thức được tầm quan trọng của việc lưu trữ hồ sơ tài liệu trong quá trình hoạt động kinh doanh; chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập; công tác quản lý, tuyên truyền của cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế...
Từ tình hình thực tiễn hoạt động xuất bản và nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong hoạt động in, xuất bản, phát hành, nhiệm vụ trong thời gian tới là tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; theo dõi kiểm tra và thông tin tình hình hoạt động xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh, biểu dương những đơn vị hoạt động tốt, đồng thời nhắc nhở chấn chỉnh những đơn vị vi phạm. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở in, xuất bản, phát hành trên địa bàn tỉnh đúng quy định hiện hành. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc việc phát tán, lưu hành những ấn phẩm có nội dung độc hại, vi phạm Luật Xuất bản./.