DetailController

Quốc phòng - An ninh

Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại cơ sở

05/10/2023 16:30
Từ ngày 03/01/2023 đến 31/8/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, làm 3 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 3,175 tỷ đồng, 5,7 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 16 vụ cháy, tăng 3 người chết, tăng 5 người bị thương, tăng 86 triệu đồng thiệt hại về tài sản.
Công ty TNHH Bandai Việt Nam tổ chức thực hành phòng cháy, chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Qua số liệu phân tích thống kê cho thấy, địa bàn xảy ra cháy đa số thuộc khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố điện, sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Một trong những yếu tố dẫn đến nguyên nhân nêu trên là do nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác PCCC còn hạn chế, chưa nắm được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, còn chủ quan trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện.

Trước tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn. Do đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về PCCC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các cơ sở thuộc diện quản lý và các khu dân cư trên địa bàn phụ trách. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ban hành kế hoạch và tự tổ chức tuyên truyền về PCCC và CNCH, với tổng số trên 10.000 người tham gia. Lực lượng Công an trong tỉnh đã hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền địa phương tổ chức 273 buổi tuyên truyền với khoảng 29.442 lượt người tham gia; đăng tải gần 500 tin, bài, clip tuyên truyền, khuyến cáo trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì thực hiện chuyên mục toàn dân tham gia bảo vệ rừng, dự báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trực thuộc tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ rừng và PCCC rừng thông qua nhiều hình thức đa dạng. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị trực thuộc lồng ghép phổ biến kiến thức về PCCC vào trong các buổi sinh hoạt cơ quan, tổ chức đoàn thể dịp mùa hanh khô. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH, đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác này tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng khu dân cư; cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, tổ chức đã từng bước quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC và CNCH. Góp phần hạn chế được số vụ và thiệt hại do cháy, nổ xảy ra.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hiện có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp vào hoạt động; trên 9.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại; trên 25 khu dân cư, khu đô thị mới; 94 chợ; 08 siêu thị - trung tâm thương mại; 07 công trình cao tầng... Nhiều khu dân cư, khu đô thị, công trình công nghiệp - thương mại - dịch vụ đang được quy hoạch, sẽ được xây dựng trong những năm tiếp theo. Bám sát điều kiện thực tế tại cơ sở, tỉnh đang từng bước củng cố và duy trì hoạt động 4 đội PCCC chuyên ngành tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Khu công nghiệp bờ trái Sông Đà, Khu công nghiệp Lương Sơn và Viện thuốc phóng, thuốc nổ; 2011 đội PCCC cơ sở tại các cơ quan, doanh nghiệp, với tổng số gần 20.000 đội viên làm nòng cốt trong công tác PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp và khu dân cư; thành lập 1.395 đội dân phòng với gần 13000 đội viên (tăng 94 đội so với cùng kỳ năm 2022); củng cố, xây dựng lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách bảo vệ rừng và PCCC rừng. Các lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành đã được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH, qua đó tích cực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khi có vụ việc tại địa bàn dân, cơ sở, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ và tai nạn, sự cố gây ra.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình tự quản tại khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có 761 mô hình tổ dân cư tự quản và 115 tổ an ninh, trật tự, 10 mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, 01 mô hình “Khu nhà trọ an toàn PCCC”, 01 mô hình “Chung cư an toàn PCCC”, 01 mô hình “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”, 262 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 189 “Điểm chữa cháy công cộng”. Bên cạnh việc ứng phó kịp thời đối với tình huống cháy, nổ trên địa bàn, mô hình còn giúp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo phương châm bốn tại chỗ; đưa hoạt động PCCC và CNCH gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đao của Trung ương, của tỉnh về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại các cơ sở, địa bàn dân cư. Tích cực, chủ động xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện nội dung quy hoạch hạ tầng về PCCC tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch ngành quốc gia. Tiếp tục củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC và CNCH các cấp; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị trong tổ chức giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, đáp ứng yêu cầu theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý, ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra./.