DetailController

Giáo dục

Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm

15/07/2010 00:00

Tỉnh ta có khoảng 80% dân số sống bằng sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh có bước chuyển dịch đáng kể theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp gắn liền với quá trình CNH - HĐH nền nông nghiệp.

Trong 5 năm, có trên 50.000 lao động trên địa bàn tỉnh được học nghề

 

Sự thay đổi đó đặt ra nhiều áp lực đối với lực lượng lao động địa phương – nhất là đội ngũ lao động nông thôn. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ Sở LĐTB&XH tỉnh quán triệt là nâng cao hiệu quả lãnh đạo đối với công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm (DN-VL). 
 
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Đảng bộ Sở LĐTB&XH đã luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DN-VL, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò tạo điểm nhấn và bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đồng thời góp phần giải quyết những thách thức trong phát triển KT-XH địa phương, giảm sức ép về tình trạng dư thừa lao động nông thôn sau thu hồi đất phục vụ thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ Sở LĐTB&XH, công tác DN&GQVL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về học nghề và tìm kiếm việc làm. Trong 5 năm, đã có trên 50.000 lao động trên địa bàn tỉnh được học nghề. Trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn và thanh niên dân tộc thiểu số đạt 8.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 8,84% năm 2005 lên 22,6% năm 2009, ước tính đến hết năm 2010 sẽ đạt khoảng 25%. Về công tác GQVL, ngành LĐTB&XH đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho gần 10.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đạt trên 5.500 người, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình Mục tiêu quốc gia về XĐGN và GQVL trên địa bàn tỉnh. Được biết, toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở dạy nghề và cơ sở đào tạo có dạy nghề. Ngoài ra còn có khá nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất cá thể, làng nghề cùng tham gia công tác DN-VL với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Bình quân hàng năm, các cơ sở đã đào tạo được khoảng 8.000 – 10.000 lao động địa phương, trong đó khoảng 2.000 – 3.000 lao động được đào tạo dài hạn, khoảng 6.000 – 9.000 lao động được đào tạo ngắn hạn, số lao động là người dân tộc thiểu số chiếm gần 80%.
 
Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH xác định trong nhiệm kỳ tới (2010 – 2015) sẽ tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DN-VL, chủ trương phát huy nội lực và tận dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để hoàn thành kế hoạch DN&GQVL hàng năm, phấn đấu đến năm 2015 sẽ điều chỉnh hợp lý cơ cấu lao động. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ – TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, Sở LĐTB&XH sẽ tích cực triển khai các hoạt động chuyên ngành để đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hoà Bình đến năm 2020”. Cùng với đó, sẽ chú trọng thực hiện thành công Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường Cao đẳng nghề, trường Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Đây là hai nhiệm vụ được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH quán triệt thực hiện tốt nhằm nâng cao hiệu quả công tác DN-VL trong giai đoạn 2010 – 2015 và những năm tiếp theo./.