Công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai khá đồng bộ. Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực và mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo nhân lực, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao được phát huy hiệu quả, bước đầu đáp ứng được nguồn nhân lực tại địa phương, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô đào tạo mỗi năm từ 15 - 16 nghìn lao động. Giai đoạn từ năm 2013- 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo nghề cho gần 85 nghìn lao động theo các trình độ (cao đẳng 2.092 lao động, trung cấp 9.407 lao động, sơ cấp 29.361 lao động, dưới 3 tháng 43.731 lao động). Trong đó, có 24.117 lao động nông thôn được đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Hoạt động dạy nghề đã cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp của phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; đồng thời góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhằm gia tăng số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành, hướng dẫn triển khai các chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ học nghề sơ cấp, chính sách cho người học sau tốt nghiệp. Gắn giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường lao động và chủ trương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, rộng khắp. Sau khi tiến hành sáp nhập, toàn tỉnh hiện còn 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện; 4 trung tâm thuộc các Hội, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh; 1 trung tâm dạy nghề tư thục và 17 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN trên địa bàn đã rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; tích cực tham dự các hội giảng nhà giáo, hội thi tay nghề quốc gia, hội thi thiết bị tự làm… để giao lưu học tập kinh nghiệm và đạt được những kết quả nhất định.
Mặt khác, hoạt động GDNN trong một số trường phổ thông đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều nhà trường chủ động lựa chọn, đưa vào chương trình bộ môn nghề những nội dung phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN, tăng tính hấp dẫn đối với người học. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung mở các lớp vừa học văn hóa, vừa học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh đã mở được 237 lớp vừa học văn hóa, vừa học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề với gần 9.000 học viên tham dự. Hiện nay, tỷ lệ đối tượng từ 18 - 21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên nghiệp đạt trên 70% (tăng gần 6% so với năm 2013); công tác giáo dục dành cho người lớn đã tạo được những kết quả thiết thực, nâng cao dân trí địa phương.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề, cần xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó nâng cao mặt bằng dân trí chính là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao và phát triển dạy nghề là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH. Tiếp tục phát triển mạng lưới đào tạo và dạy nghề phù hợp, nhằm xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Tập trung đẩy mạnh chương trình hợp tác và tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo trong, ngoài nước thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển dạy nghề đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước./.