DetailController

Quốc phòng - An ninh

Năm 2022: Ngành Thanh tra phấn đấu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đạt tỷ lệ trên 90%

08/03/2022 00:00
Năm 2022, dự báo tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid- 19. Tình hình vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, khiếu nại, tố cáo, dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo ra áp lực lớn cho Thanh tra tỉnh và Ngành Thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, toàn ngành xác định tiếp tục bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng của Thanh tra Chính phủ, đồng thời căn cứ tình hình diễn biễn thực tế của dịch bệnh Covid-19 để linh hoạt triển khai thực hiện đồng bộ các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2022, toàn ngành Thanh tra tập trung đổi mới trong xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đã được Thủ trưởng cơ quan cùng cấp phê duyệt đảm bảo tiến độ thực hiện và chất lượng. Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện tốt việc xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ. Tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định. Đồng thời nghiên cứu, phát huy cách làm mới, phù hợp trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19 để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch theo hướng dẫn chỉ đạo của của Chính phủ, Tỉnh ủy Hòa Bình; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN. Tăng cường công tác chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể phối hợp, nỗ lực, tập trung cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm giữ ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội. Xác minh làm rõ các đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phát hiện,xử lý các vụ việc tham nhũng. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng...

Đối với công tác xây dựng ngành, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong đó chú trọng “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”./.