DetailController

Giáo dục

Mở rộng việc dạy song ngữ Việt-Êđê ở trường học

21/07/2010 00:00

Tỉnh Đắk Lắk có chủ trương tiếp tục mở rộng việc dạy song ngữ Việt- Êđê trong các trường tiểu học, trung học cơ sở ở vùng có đông đồng bào dân tộc Êđê sinh sống, góp phần bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê.

 

Cô giáo hướng dẫn học sinh dân tộc Êđê học văn hóa.

Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2015 có 100 trường, với hơn 580 lớp và 15.000 học sinh được học song ngữ Việt- Êđê; bình quân, mỗi năm mở rộng thêm bốn trường tiểu học, với 20 lớp và 500 học sinh.

Tỉnh Đắk Lắk đã đưa tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Êđê vào dạy từ lớp ba đến lớp năm tại các vùng có đồng bào dân tộc Êđê sinh sống từ năm 1980 và sau đó đưa vào dạy từ lớp sáu đến lớp tám ở chương trình thực nghiệm tại các trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện.

Riêng năm học 2009-2010, tỉnh Đắk Lắk đã có gần 90 trường, 490 lớp với gần 11.970 học sinh dân tộc Êđê theo học. Tỉnh cũng thành lập Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc, phối hợp chặt chẽ với các Viện, trường đại học và các cơ quan chức năng khác biên soạn sách, giáo trình đưa vào giảng dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Êđê.

Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện nay đang thiếu giáo viên dạy học tiếng Êđê nghiêm trọng. Cả tỉnh chỉ có hơn 130 giáo viên, trong đó có gần 120 giáo viên tiểu học, hơn 10 giáo viên trung học, nên mỗi lớp chỉ được bố trí 0,26 giáo viên (tiểu học ngày hai buổi), 0,41 (phổ thông dân tộc nội trú).

Trong khi đó, theo quy định mỗi lớp phải bố trí từ 1,2-1,5 giáo viên ở bậc tiểu học và 2,2 giáo viên ở bậc phổ thông trung học cơ sở. Tình trạng dạy chay, học chay vẫn chưa được khắc phục.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VII đã thông qua đề án Dạy tiếng nói, chữ viết Êđê trong các trường tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2010-2015 trọng tâm là đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê đạt chuẩn, thành thạo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Êđê đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng việc dạy tiếng Êđê ở các trường học.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng soạn thảo ra chương trình khung để Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh có cơ sở đăng ký mã ngành đào tạo trong công tác tuyển sinh.

Cùng với việc thực hiện chương trình cải cách giáo dục, đưa đồ dùng, thiết bị vào gảng dạy, năm học mới này, tỉnh Đắk Lắk bước đầu đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tiếng Êđê./.