Ông Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội nông dân huyện Mai Châu cho biết: Hội đã tổ chức dạy nghề tại chỗ cho lao động nông thôn trên địa bàn theo phương thức vừa học vừa làm nghề. Đồng thời tạo thêm các nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay đã có trên 200 lượt hộ nông dân được vay vốn từ quỹ Hỗ trợ nông dân. Hội cũng nhận uỷ thác, quản lý các nguồn vốn tín dụng được tăng cường trong đó dư nợ Ngân hàng CSXH đạt 37.290 triệu đồng giúp cho 2.489 hộ vay. Nhờ đó, việc kiện toàn tổ vay vốn tín dụng theo Nghị định 41 của Chính phủ bước vào hoạt động tốt với tổng số dư nợ 27 tỷ 484 triệu đồng, giúp cho 1.082 hộ vay. Vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do Hội quản lý 126 triệu đồng giúp cho tổ nhóm chăn nuôi gồm 7 hộ vay. Các nguồn vốn trên đều được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện đã phối hợp với các công ty, xí nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm lượt người là con em, cán bộ Hội viên nông dân, cung ứng vật tư phân bón trả chậm được gần 800 tấn cho nông dân 12 xã trên địa bàn huyện, tư vấn hỗ trợ nông dân mua 31 máy cày phục vụ sản xuất. Hội còn phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trạm KNKL, Trung tâm học tập cộng đồng, các dự án tại huyện tổ chức 250 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 3000 lượt hội viên nông dân, tham gia xây dựng nhiều mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi cho bà con. Hội trực tiếp và phối hợp mở 40 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn1.200 lượt hội viên, nông dân, với các nghề: May thổ cẩm trên máy may công nghiệp, thêu dệt thổ cẩm, mây tre đan, tăm mành, chế biến nông lâm sản…
Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi thực sự đi vào chiều sâu, hội đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình xây dựng tổ nhóm theo hình thức hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục phối hợp và hỗ trợ các HTX Thổ cẩm xã Chiềng Châu, tổ nhóm sản xuất thổ cẩm xã Nà Phòn, xã Pà Cò… sản xuất có hiệu quả. Hội cũng phối hợp với Công ty cổ phần sở hữu công nghiệp Investip, Sở khoa học và công nghệ đẩy nhanh quá trình xây dựng nhãn hiệu thổ cẩm Mai Châu do Hội là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể thổ cẩm Mai Châu. Có thể nói công tác dạy nghề trong những năm qua đã giải quyết được thêm việc làm cho nông dân. Nông dân sau học nghề đã có việc làm, nhiều người đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, sử dụng kiến thức, kỹ năng vào hoạt động sản xuất. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Có được những kết quả như trên, Hội đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, tìm hiểu nguyện vọng, đồng thời tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về các chính sách hỗ trợ học nghề, lợi ích của việc học nghề cho nông dân. Chính vì thế đã tạo được niềm tin cho hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư và áp dụng kiến thức để mở rộng sản xuất. Cũng từ đó, vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội được nâng lên, chất lượng dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân được tăng cường.
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của tổ chức trong, ngoài nước cùng với ý thức khơi dậy, bảo tồn, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Mai Châu đã được khôi phục, phát triển. Việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Ông Nguyễn Đức Soát cũng cho biết: Thời gian tới, Hội nông dân bên cạnh việc khuyến khích và giúp đỡ các hội viên phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Hội cũng khuyến khích các gia đình, hội viên giữ gìn nghề dệt truyền thống, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế tập thể, phát huy bản sắc riêng của sản phẩm làng nghề để phát triển du lịch bền vững../.