Trước tình hình phát triển của các doanh nghiệp, LĐLĐ huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, nằm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, phối hợp với các ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền thành lập công đoàn cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Kết quả trong nhiệm kỳ 2013-2018 đã thành lập được 14 công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước với tổng số 457 đoàn viên.
Song song với việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở mới là công đoàn thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ truyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; những vấn đề về việc làm, tiền lương, thu nhập…là những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của người lao động khi “bán” sức lao động và là vấn đề dễ bị người sử dụng lao động lạm dụng đưa ra những quyết định làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động nói tiêng, tập thể lao động nói chung. Ngoài ra công đoàn cơ sở còn tham gia thương lượng tập thể, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xây dưng quy chế dân chủ tại nơi làm việc, đồng thời tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động, đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện nay còn nhiều doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, trong đó tập trung chủ yếu là không giao kết hợp đồng lao động, không tham gia BHXH cho người lao động, không thành lập tổ chức công đoàn và không thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn 2%. Vì vậy, kéo theo đó tại các doanh nghiệp tình trạng ngừng việc tập thể, đình công trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp. Huyện đã nhận được đơn kiến nghị của người lao động tại 04 doanh nghiệp kiến nghị đòi chế độ lương, BHXH. Công nhân lao động đã tập trung đông người, căng băng zôn, khẩu hiệu, rào công ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp để đòi quyền lợi. Ngay sau khi nhận được đơn của người lao động, LĐLĐ huyện đã trực tiếp gặp gỡ người lao động cũng như doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt tình hình đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, LĐLĐ tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn người lao động cùng doanh nghiệp tổ chức đối thoại, thương lượng để thống nhất, kết quả 04 lần hòa giải thành, đòi được cho người lao động số tiền lương, tiền BHXH, tiền trợ cấp thôi việc lên đến trên 5 tỷ đồng.
Thực trạng trên cho thấy, đa số các vụ đình công, ngừng việc chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Doanh nghiệp vẫn còn thiếu sót trong đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động, việc đối thoại giữa người lao động và doanh nghiệp chưa thường xuyên, vì vậy chưa tìm được tiếng nói chung. Bên cạnh đó, do chưa thành lập được Công đoàn cơ sở nên không có tổ chức nào đứng ra đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như tuyên truyền cho người lao động về thực hiện nội quy lao động, kỷ luật lao động của doanh nghiệp.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, cùng với quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng giai cấp công nhân luôn đi liền với công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ của riêng các cấp công đoàn và còn là của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng tâm hợp lực. Đây là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.