Sau 5 năm thực hiện chương trình hành động số 18, tình hình văn học nghệ thuật trong huyện đạt được nhiều kết quả tích cực: Công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình của huyện; Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ tuyên truyền Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Toàn huyện có 180/185 đội văn nghệ tại xóm, bản, tiểu khu; 4 câu lạc bộ thơ; 2 câu lạc bộ cồng chiêng; 1 câu lạc bộ đàn và hát dân ca; 1 đội múa lân; huyện có 6 người là thành viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với các ngành, các địa phương tập trung đầu tư cho hoạt động văn học nghệ thuật; tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các Hội Văn học nghệ thuật huyện theo hướng hiệu quả, chất lượng, đổi mới lề lối làm việc, giao quyền chủ đạo sáng tạo cho các bộ phận chuyên ngành, thường xuyên đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện những vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật như: Cơ chế hoạt động, chính sách đãi ngộ cho văn, nghệ sĩ, tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động…
Đội văn nghệ thông tin lưu động của huyện thường xuyên luyện tập, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện, của tỉnh: Tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng do tỉnh tổ chức, đạt giải A toàn đoàn; tham gia các hoạt động Ngày hội văn hóa các dân tộc khu vực Tây Bắc… Đây thực sự là những hoạt động bổ ích, tạo sự đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tính chủ động sáng tạo và tài năng của các văn nghệ sỹ.
Trong 2 đợt phát động Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thu hút đông đảo văn nghệ sỹ chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân các xã, thị trấn tham gia; huyện đã nhận được hơn 250 tác phẩm dự thi trong loại hình văn học nghệ thuật, nhiều bài dự thi có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện trình độ và tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu.
Công tác bảo vệ, giữ gìn và tôn vinh các di sản văn hóa truyền thống được quan tâm thực hiện: Các tiết mục văn nghệ bằng tiếng Mường, tiếng Dao, phong tục tập quán, trang phục; các tác phẩm đều có nội dung ca ngợi quê hương, ca ngợi cái đẹp, phê phán thói hư tật xấu, phê phán cái ác, cái thấp hèn trong xã hội, qua đó đã góp phần gìn giữ và phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc. Đã có nhiều địa phương, đơn vị được các cấp khen thưởng: Làng Đồng Bưng – xã Nhuận Trạch đạt danh hiệu làng văn hóa 10 năm liên tục; xóm Sáng – xã Cao Răm; xóm Đồng Tiến – xã Tân Vinh; xóm Giếng Xạ - xã Cư Yên; xóm Đồng Ý – xã Hợp Hòa… được UBND tỉnh khen thưởng; nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu nhiều năm được công nhận là cơ quan đơn vị văn hóa.
Địa bàn huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, là những tiềm năng để xây dựng khu du lịch sinh thái: Khu Suối Sặt – xã Lâm Sơn; Hồ Đồng Chanh – xã Nhuận Trạch; Hang Đá Bạc – xã Liên Sơn; Hang Mãn Nguyện – xã Cao Răm… Thông qua du lịch công tác bảo tồn, giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc được nâng lên.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn học nghệ thuật được nâng lên; hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp có bước phát triển mới, số lượng các tác phẩm đạt giải khu vực Tây Bắc ngày càng tăng; các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia; góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân trên địa bàn huyện.