DetailController

CNTT và Viễn Thông

Lợi ích của việc số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh

22/07/2016 00:00
Đề án số hóa truyền hình là quá trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng kỹ thuật số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu xem truyền hình.Đề án số hóa truyền hình ở nước ta đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 với mục tiêu đến 31/12/2020 đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu truyền hình trên cả nước xem được các chương trình truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Theo Quyết định số 2451 Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất ở nước ta được chia là 4 giai đoạn như sau:


Hình 1: lộ trình số hóa truyền hình theo chỉ đạo của Chính phủ

            + Giai đoạn 1 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 5 thành phố này sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.

            + Giai đoạn 2 sẽ tiến hành số hóa tại 26 tỉnh thuộc nhóm 2, bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiềng Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Dự kiến, các đài sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.

            + Giai đoạn 3 ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 18 tỉnh thuộc nhóm 3, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Thời hạn chót cho việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất là trước ngày 31/12/2018.

            + Giai đoạn 4 ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh còn lại thuộc nhóm 4 bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với thời hạn chót là ngày 31/12/2020.

            Tỉnh Hòa Bình nằm trong giai đoạn 4 của Đề án số hóa, theo kế hoạch từ năm 2017 đến 2020 sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự trên địa bàn toàn tỉnh để chuyển sang phát sóng kỹ thuật số. Tuy nhiên ngày 15/6/2016, đã có 16 xã lân cận thành phố Hà Nội thuộc địa bàn các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy đã bị ảnh hưởng bởi lộ trình tắt sóng tương tự mặt đất tại Hà Nội, các kênh phát sóng tương tự tắt sóng giai đoạn này gồm VTV6, VTV9, HN2.

            Để chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân chủ động trong việc chuyển đổi hình thức thu xem các chương trình truyền hình và triển khai những nhiệm vụ cần thiết cho việc tắt sóng truyền hình tương tự theo đúng lộ trình của Chính phủ, trong năm 2016 Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện triển khai các nội dung kế hoạch tuyên truyền về Đề án số hóa như: Phối hợp  với Cục Tần số tổ chức Hội nghị Tuyên truyền đề án số hóa truyền hình; phát hành cuốn “ Sổ tay số hóa truyền hình mặt đất”; xây dựng trang thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của tỉnh về đề án số hóa truyền hình mặt đất tại địa chỉ: http://sohoatruyenhinh.hoabinh.gov.vn.

            Về lợi ích của số hóa truyền hình:

Đối với nền kinh tế - xã hội, truyền hình số mặt đất không chỉ đem lại lợi ích về chất lượng chương trình truyền hình mà còn đem lại rất nhiều lợi ích về hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện. Truyền hình số mặt đất  sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự.