DetailController

Trồng trọt

Lạc Thủy: Tích cực chuyển dịch từ kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện

11/08/2022 00:00
Lạc Thủy là huyện có tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp, với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 17.305,78 ha. Trong đó, đất có rừng 14.340,55 ha, đất chưa có rừng 2.965,23 ha; rừng sản xuất 10.015,79 ha, rừng phòng hộ 7.289,99 ha.
Huyện Lạc Thủy chủ trương chuyển dịch từ kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng và phát triển bền vững

6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã gieo ươm được trên 2 triệu cây keo giống phục vụ trồng rừng sản xuất; trồng rừng mới 595 ha, đạt 71,7% kế hoạch, bằng 103% so cùng kỳ; tỷ lệ che phủ tự nhiên của rừng đạt 46,04%. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, không để tình trạng cháy rừng, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích, khai thác lâm sản trái phép xảy ra.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rừng trồng từng bước chuyển dịch sang hướng thâm canh trồng rừng gỗ lớn, do đó năng suất, chất lượng rừng trồng dần được nâng. Tuy nhiên công tác phát triển rừng sản xuất vẫn bộc lộ một số hạn chế, trong đó: Năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế từ rừng trồng còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Diện tích thực hiện phương thức quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) còn ít (tập trung chủ yếu là diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý). Nguyên nhân chủ yếu là còn nhiều diện tích trồng và khai thác rừng gỗ nhỏ, diện tích trồng rừng kéo dài chu kỳ kinh doanh để lấy gỗ lớn còn ít. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng, giá trị rừng góp phần phát triển rừng bền vững, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy đã có chỉ đạo tăng cường công tác chỉ đạo chuyển dịch từ kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện.       

UBND huyện yêu cầu các đơn vị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trồng rừng chuyển dịch từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn theo hình thức thâm canh rừng, đưa giống chất lượng cao vào trồng rừng. Rà soát quỹ đất quy hoạch rừng sản xuất tại địa phương, quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất của huyện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống đưa vào trồng rừng; đảm bảo 100% giống đưa vào trồng rừng có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng; khuyến khích người dân sử dụng các nguồn giống có chất lượng cao trong trồng rừng (Hạt giống nhập ngoại, cây mô…).

Tăng cường công tác khuyến lâm, hướng dẫn người dân trồng rừng theo hướng thâm canh rừng, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; khuyến khích chủ rừng áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Tăng cường công tác thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu, thực hiện liên kết và hợp tác trong trồng rừng gỗ lớn giúp chủ rừng giảm bớt áp lực về vốn đầu tư, đảm bảo được đầu ra sản phẩm ổn định để chủ rừng yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn./.

Tư liệu tham khảo: BC số 86 ngày 11/5/2022 của UBND huyện Lạc Thủy về kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2021 – 2022; CV số 1335, ngày 9/8/2022 của UBND huyện Lạc Thủy về tăng cường công tác chỉ đạo chuyển dịch từ kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện.