Lạc Thủy là huyện có phong trào giáo dục phát triển tương đối toàn diện. Sự nghiệp GD&ĐT luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chăm lo.
Song về cơ bản, cơ sở vật chất của các đơn vị, trường học trên địa bàn còn thiếu thốn; nhiều công trình nhà lớp học đã xuống cấp; vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành không có; việc xây dựng các trường thiếu tính quy hoạch; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh chưa đồng đều giữa các vùng trong huyện. Những bất cập này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác xây dựng trường học chuẩn quốc gia.
Nhận thức rõ những khó khăn, ngành GD&ĐT huyện Lạc Thủy đã tích cực tham mưu với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện về vấn đề xây dựng trường chuẩn Quốc gia các cấp học đến năm 2015 và được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2005 – 2010). Theo đó, huyện đã xây dựng Đề án trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2006 – 2015, thành lập BCĐ thực hiện đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch cho từng năm để triển khai thực hiện. Hàng năm, vào đầu năm học, Huyện ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề về lãnh đạo phát triển sự nghiệp GD&ĐT, trong đó xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một nội dung trọng tâm được quan tâm chỉ đạo. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền trong toàn huyện và các ngành liên quan đều có nghị quyết, kế hoạch về xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế của huyện và các xã, thị trấn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: Hiện tại, toàn huyện có 46 trường với 575 lớp và nhóm trẻ. Để chỉ đạo xây dựng trường chuẩn Quốc gia các cấp học có hiệu quả thì nhất thiết phải làm tốt công tác khảo sát, quy hoạch. Vì vậy, phòng GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các nhà trường coi trọng công tác này, đánh giá thực trạng theo các tiêu chí trường đạt chuẩn, trên cơ sở đó chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tổng thể để phấn đấu đạt chuẩn và đăng ký mốc thời gian đạt chuẩn cũng như đăng ký phấn đấu từng tiêu chí đạt chuẩn cho từng năm học. Từ kế hoạch của từng trường, phòng GD&ĐT đã xây dựng được kế hoạch tổng thể cho từng năm, được UBND huyện phê duyệt, đây chính là cơ sở quan trọng để huyện triển khai xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT huyện Lạc Thủy đã tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, nhất là chỉ đạo các nhà trường tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn có nghị quyết về xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa việc xây dựng trường chuẩn đến cán bộ, nhân dân. Cùng với chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện dành nguồn vốn chi sự nghiệp giáo dục khác, vốn cấp quyền sử dụng đất của huyện để mỗi năm đầu tư từ 400 – 700 triệu đồng cho mỗi trường trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Phòng cũng đã phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo tham mưu ưu tiên dành các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho giáo dục như chương trình 135, giảm nghèo, vốn dành cho vùng phân lũ. Nhờ đó, những năm gần đây, các xã, thị trấn trong huyện đã được đầu tư gần 15 tỉ đồng cho giáo dục; quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất, cấp quyền sử dụng đất cho các trường đảm bảo yêu cầu xây dựng trường chuẩn.
Nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia cũng luôn được các tầng lớp nhân dân trong huyện quan tâm, chăm lo ủng hộ bằng nhiều hình thức như trồng cây xanh, quyên góp hỗ trợ xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất trị giá trên 1 tỉ đồng. Các ngành, đoàn thể và nhân dân cũng đã nỗ lực tham gia vận động học sinh ra lớp, chống bỏ học, góp phần duy trì tốt sĩ số học sinh. Để đạt một trong những tiêu chí quan trọng của trường đạt chuẩn, ngành GD&ĐT huyện Lạc Thủy đã tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đảm bảo số lượng, cơ cấu bộ môn, chất lượng đội ngũ. Nhờ đó, toàn ngành đã có 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 51% vượt chuẩn; 99,83% giáo viên đạt chuẩn, vượt chuẩn chiếm 21,5%. Đặc biệt riêng với các trường đạt chuẩn Quốc gia đều có cán bộ quản lý vượt chuẩn, tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp đạt trên 30%.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ của toàn xã hội, đến nay, huyện Lạc Thủy đã có 12 trường học đạt chuẩn Quốc gia và dự kiến đến hết năm 2010, toàn huyện sẽ có 16 trường đạt chuẩn Quốc gia.