DetailController

Tin từ các đơn vị

Lạc Sơn: Thu hút đầu tư kết hợp với phát triển nội lực của địa phương, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

17/02/2022 00:00
Huyện Lạc Sơn có diện tích tự nhiên 587 km2 (đứng thứ 2 toàn tỉnh); dân số khoảng gần 13,8 vạn người (đứng thứ 2 toàn tỉnh). Khoảng cách đến Hà Nội khoảng 130km. Kết nối giao thông với bên ngoài bằng Quốc lộ 12B (nối với Quốc lộ 6 về Thành phố Hòa Bình và Hà Nội), đường Hồ Chí Minh. Huyện có tài nguyên đất đai còn chưa được khai phá nhiều; tài nguyên du lịch phong phú; tài nguyên rừng và tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, dồi dào (tổng số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60% dân số, trong đó lao động trẻ chiếm khoảng 35% dân số, tương đương trên 48.300 người). Hằng năm bổ sung trên 1.000 lao động từ các trường đào tạo nghề, các trường THPT trên địa bàn.
Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Sơn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương

Huyện Lạc Sơn xác định việc thu hút đầu tư là cần thiết để tạo nguồn vốn và các nguồn lực khác từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm, chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch một phần dân cư từ ở nông thôn ra đô thị. Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong ngắn hạn là công nghiệp sử dụng nhiều lao động (để tạo công ăn việc làm, chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp); du lịch (khai thác tài nguyên du lịch của huyện); công nghiệp chế biến nông lâm sản (khai thác lợi thế về lâm nghiệp, nông nghiệp); khai thác lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Giai đoạn 2021 – 2025, huyện phấn đấu thu hút được khoảng 20 dự án đầu tư mới trên địa bàn huyện (được cấp phép đầu tư). Trong đó có 60% dự án về công nghiệp, 20% dự án trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; 20% dự án trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng mới 01 khu công nghiệp; tạo ra khoảng 7.000 đến 10.000 việc làm mới cho lao động (trong đó chủ yếu là lao động địa phương).

Bên cạnh đó, quy hoạch, phân vùng, phân khu thu hút đầu tư, trong đó tập trung dọc tuyến đường quốc lộ12B, tuyến C, Đường Hồ Chí Minh; khu vực quanh thị trấn (nơi đông dân cư để tạo động lực cho đô thị hóa); khu, cụm công nghiệp; khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến. Trên cơ sở các quy hoạch được lập và quy hoạch sử dụng đất, lập danh mục, hồ sơ các vị trí đất, khu, cụm công nghiệp, các vị trí có tiềm năng du lịch, tài nguyên khoáng sản, khả năng khai thác để phát triển nông, lâm nghiệp,… để kêu gọi, thu hút đầu tư. Tổ chức quảng bá, kêu gọi đầu tư. Trong đó ưu tiên tiếp xúc trực tiếp, vận động nhà đầu tư. Ưu tiên vận động, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào các vị trí, tài nguyên có nhiều tiềm năng.

Tăng cường nắm bắt thông tin, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để đảm bảo những tài nguyên quan trọng được khai thác hiệu quả trên cơ sở lựa chọn nhà đầu tư có quyết tâm và khả năng tài chính lớn. Hạn chế tối đa các dự án sử dụng nhiều đất, giải quyết việc làm cho ít lao động, gây ô nhiễm môi trường. Giúp nhà đầu tư khảo sát, tìm hiểu tài nguyên thiên nhiên, đất đai,… Cung cấp thông tin đầy đủ về đất đai, tài nguyên, lao động cho nhà đầu tư. Hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết thủ tục đầu tư. Đặc biệt hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng với cá nhân, tổ chức đảm bảo nhà đầu tư lấy đất nhanh nhất trên cơ sở đồng thuận giữa các bên. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, quan tâm đến các khu vực, vị trí có tiềm năng thu hút đầu tư (như các vị trí quy hoạch làm khu, cụm công nghiệp, quy hoạch thu hút đầu tư, các vị trí có tiềm năng du lịch,…) để mở các tuyến đường giao thông và hạ tầng khác phục vụ thu hút đầu tư. Tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản nhằm tạo lợi thế, thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng khi nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án./.