Qua tìm hiểu thực tế tại hiện trường và các hộ dân được biết: Những hố đất sụt lún sâu lại nằm ngay cạnh đường đi và thuộc diện tích đất canh tác của bà con. Hố sụt lún đầu tiên xảy ra vào ngày 12/2, sau đó 2 ngày thì xảy ra sụt hố thứ 2 ngay cạnh đường đi, đến đêm ngày 23/2 tiếp tục sụt thêm hố thứ 3. Ban đầu khi mới xảy ra sụt lún đường kính mỗi hố khoảng 5m, sâu khoảng 8m. Đến nay sụt lún tiếp tục mở rộng vào phía lòng đường, đường kính miệng hố hiện nay ước khoảng 15 m. Ngoài những hố sụt lớn, còn những vết nứt dài khoảng 250m, chiều rộng vết nứt khoảng 3- 4 cm chạy dọc theo hai bên sườn đồi thuộc xóm Khi, hiện nay những vết nứt vẫn không ngừng xuất hiện, nằm trong phạm vi 4ha đã được khoanh vùng nguy hiểm. Trong đó có 2 hố sụt lớn nằm sát mép đường giao thông liên xã Ân Ngĩa, Vũ Lâm, Bình Chân (huyện Lạc Sơn) và Đa Phúc (huyện Yên Thủy). Đây cũng là con đường chạy thẳng ra QL 12B và đường mòn Hồ Chí Minh. Hằng ngày lượng giao thông qua lại rất đông, học sinh đi học, bà con đi chợ, đi làm dẫu biết là nguy hiểm nhưng không thể không qua đây. Đứng trên con đường đang bị sụt lở, trưởng xóm Khi, Bùi Văn Cảnh cho biết: Con đường này trước đây rộng gần 6m, do sụt lở ngay mép hố nên con đường ngày càng bị thu hẹp, hiện chỉ còn khoảng 3m. Bà con chúng tôi hoang mang lắm, nếu chẳng may đi qua mà đúng lúc hố bị sụt thì nguy hiểm không biết thế nào”. Hiện chính quyền địa phương cũng nhận thấy rõ mức độ nguy hiểm rất lớn mà các hố sụt lún gây ra cho nhiều hộ dân, đặc biệt là ở trên trục giao thông qua lại. Nhưng trước mắt vẫn phải đợi các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, nghiên cứu để có kết luận chính xác.
Theo ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cũng cho biết: Sau khi nắm bắt tình hình sạt lở nghiệm trọng tại xóm Khi, huyện đã tiến hành kiểm tra thực tế và khẩn trương có công văn báo cáo lên UBND tỉnh. Sau đó đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các sở, ngành đã về kiểm tra thực tế tại xóm Khi và động viên các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời giao cho Sở KH&CN chịu trách nhiệm mời các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực địa chất khảo sát, nghiên cứu và khẩn trương có kết luận cụ thể để có hướng giải quyết. Huyện cũng đã có phương án di dời và hỗ trợ kịp thời đối với hộ gia đình nằm ngay sát miệng hố xụt lở. Nhưng trước mắt vẫn hướng dẫn người dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất của xóm, đồng thời chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyển, cảnh báo, khoanh vùng những điểm sụt và có các phương án để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Từ khi xuất hiện những hố sụt lớn, đời sống của nhiều người dân trong xóm, đặc biệt là các hộ nằm trong phạm vi sụt, nứt bị xáo trộn rất nhiều. Chị Bùi Thị Đạt, xóm Khi- người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng lớn nhất cho biết: “Những ngày qua, các thành viên trong gia đình chị vô cùng hoang mang, lo lắng khi phát hiện vết rạn nứt lớn chạy quanh ngôi nhà mái bằng và cả khu bếp nhà sàn. Nhà và diện tích đất của gia đình chị lại nằm ngay cạnh hố đất sụt sâu cạnh đường giao thông. Vừa qua, được sự hỗ trợ của huyện và xã, gia đình chị đã dựng lán ở tạm để đảm bảo an toàn cho các thành viên. Tuy nhiên vào những ngày mưa gió, lán dột, gia đình chị phải chuyển vào khu bếp nhà sàn rất ẩm thấp. Gia đình chỉ mong muốn các ngành chức năng sớm có kết quả kết luận, để gia đình có hướng ổn định cuộc sống và sinh hoạt”.
Theo cụ Bùi Văn Hẻo, 95 tuổi một người dân làng cho hay: “từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ ông chưa hề thấy xảy ra hiện tượng nứt, sụt đất thế này bao giờ. Cả làng cũng chưa bao giờ thiếu nước dùng cũng như sinh hoạt cả. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều hộ dân chúng tôi phải chịu cảnh thiếu nước. Cách xóm vài trăm mét có mỏ khai thác than tư nhân hoạt động gần 30 năm, hằng đêm họ làm việc gây tiếng động ồn ào cho cả khu dân cư. Theo lời cụ, vẫn phải đợi kết luận chính xác từ các cơ quan chức năng, nhưng những người sống lâu năm ở đây thì nói từ công ty khai thác than mà ra cả. Họ đào đất, hút nước, lấy than, mất hết mạch nước ngầm”.
Hiện nay sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, bà con nhân dân xóm Khi (xã Ân Nghĩa) rất mong muốn các cấp, các ngành và cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân chính xác để bà con yên tâm ổn định cuộc sống. Đặc biệt là vào trước thời điểm mùa mưa bão, nguy cơ sụt lở rất lớn, hệ thống các cột dây điện xung quanh có thể tiềm ẩn nhiều tai nạn.