DetailController

Giáo dục

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010: Thí sinh giảm, áp lực không giảm

01/07/2010 00:00

Mùa thi ÐH, CÐ năm 2010 đã bắt đầu. Kỳ tuyển sinh năm nay có gần 1,9 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi, sẽ được tổ chức thành ba đợt: ngày 4, 5-7-2010 dành cho các thí sinh khối A và khối V, ngày 9, 10-7-2010 thi đại học các khối B, C, D và các khối năng khiếu, ngày 15, 16-7-2010 thi cao đẳng. Những tín hiệu ban đầu cho thấy mùa thi năm nay sẽ không kém phần căng thẳng...

Hình minh họa
Theo số liệu mới nhất của Bộ GD-ÐT, lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ÐKDT) năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2009. Trường ÐH Ngoại thương, một trong những trường luôn có tỷ lệ "chọi" cao ở miền bắc, mùa thi năm nay tổng hồ sơ ÐKDT là 12 nghìn, giảm 1.000 hồ sơ so với năm trước. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển là 3.000 sinh viên ở cả hai khối C và D nên tỷ lệ chọi ở mức 1/4, thấp hơn các năm trước. Trường ÐH Luật Hà Nội với hơn 11 nghìn hồ sơ ÐKDT vào trường, tỷ lệ chọi năm nay là 1/7 mặc dù năm nay trường tăng chỉ tiêu so với mọi năm. Năm nay, Trường ÐH Hàng hải cũng giảm 2.000 hồ sơ so với năm 2009 (15 nghìn bộ), tỷ lệ chọi của trường là 1/5. Số hồ sơ và tỷ lệ chọi của các trường đại học ở phía nam cũng giảm nhiều. Năm 2009, ÐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh là trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất thành phố, năm nay chỉ nhận được 3/4 số hồ sơ so với năm ngoái. Tỷ lệ chọi tính chung là 1/10,25.


Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, hồ sơ ÐKDT năm 2010 giảm chủ yếu là giảm số lượng hồ sơ "ảo", chứ số lượng thí sinh dự thi thực tế không giảm. Vì vậy, so với các năm trước số lượng hồ sơ giảm nhưng áp lực cạnh tranh để thi đỗ sẽ không hề  giảm. Bởi trên thực tế, theo thống kê từ các sở GD-ÐT, về cơ bản, số lượng thí sinh dự thi năm 2010, nhất là số thí sinh sẽ tốt nghiệp lớp 12 năm nay, không có biến động lớn, không sụt giảm ở mức tương ứng với số lượng hồ sơ ÐKDT giảm đi. Ðồng thời, áp lực cạnh tranh không giảm còn thể hiện ở chỗ trong khi một số trường, ngành có số lượng hồ sơ ÐKDT giảm thì vẫn có những trường, ngành nhận được số hồ sơ nhiều hơn năm trước, thậm chí còn tăng rất cao. Chẳng hạn, một số ngành nghề thuộc khối kinh tế, ngân hàng, y - dược, một số trường top giữa, năm nay vẫn có số thí sinh ÐKDT tăng cao. Riêng Trường ÐH Y Hà Nội, tỷ lệ "chọi" năm nay ở mức 1/16. Ðặc biệt, rất đông thí sinh ÐKDT vào nhóm ngành kinh tế, nhiều nhất là các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán. Vì vậy, khối này sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất cao trong cuộc đua vào các trường ÐH, CÐ sắp tới.


Ðánh giá về tỷ lệ "chọi" năm nay, Phó Vụ trưởng Vụ đại học và sau đại học Nguyễn Kim Khôi nhận định: "Tổng số lượng hồ sơ ÐKDT ít hơn nhưng áp lực cạnh tranh xét trên tổng thể cũng như ở cụ thể từng trường trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2010 không vì thế mà giảm đi. Mặc dù trước mắt, khi các trường công bố số lượng hồ sơ ÐKDT, một số trường, ngành có thể có số lượng hồ sơ ÐKDT giảm, dẫn đến con số mà dư luận quen gọi là tỷ lệ "chọi" thấp hơn so với những năm trước. Nhưng đó chỉ là giảm "ảo", chưa thể hiện sự biến động về số lượng thí sinh dự thi thực tế. Chuyên viên văn phòng 2 Bộ GD-ÐT tại TP Hồ Chí Minh Ðỗ Thanh Duy cũng chung quan điểm này khi cho rằng, sẽ không biến động điểm sàn chung cũng như điểm chuẩn của các trường. Một số trường có lượng hồ sơ giảm nhưng tỷ lệ chọi vẫn tăng là do trường đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Ðiều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ "ảo" sẽ ít hơn, nhưng áp lực cạnh tranh ở từng trường trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2010 không vì thế mà giảm đi.


Năm nay, theo quy định mới của Bộ GD - ÐT, lệ phí tuyển sinh vào các trường ÐH, CÐ tăng thêm 20 nghìn đồng/hồ sơ. Ðối với những trường phải tổ chức sơ tuyển, lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu là 100 nghìn đồng/hồ sơ, sơ tuyển đối với các ngành khác là 40 nghìn đồng/hồ  sơ, lệ phí dự thi  năng khiếu là 200 nghìn đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn thi). Phí dự thi sẽ phải nộp cùng với phí ÐKDT, phí xét tuyển nộp cùng với hồ sơ đăng ký xét tuyển. Mức lệ phí trên sẽ phần nào bù đắp kinh phí tổ chức thi cho các trường. Chưa kể, do số tiền mà mỗi thí sinh phải nộp kèm hồ sơ ÐKDT tăng lên khá nhiều, thí sinh sẽ phải cân nhắc nếu muốn nộp nhiều hồ sơ dự thi cùng một lúc. Ðiều đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng thí sinh "ảo", giúp các trường giảm chi phí trong việc in sao đề thi, thuê phòng thi, giám thị...


Trên thực tế, lệ phí dự thi tăng và thí sinh "ảo" giảm tưởng như sẽ góp phần chấm dứt tình trạng bù lỗ triền miên của các trường ÐH, CÐ nhiều năm qua. Vậy nhưng, lãnh đạo nhiều trường ÐH, CÐ vẫn khẳng định, kinh phí bù lỗ cho tuyển sinh vẫn không hề giảm. Kinh phí tổ chức thi năm nay đã tăng cao ở tất cả các khâu. Ðại diện các trường cho biết giá thuê phòng thi tăng hơn năm ngoái 20 nghìn-30 nghìn đồng, từ 140 nghìn đồng-150 nghìn đồng/phòng thi tăng lên 170 nghìn-180 nghìn đồng/phòng thi. Ðặc biệt, tiền in đề thi tăng cao. Năm ngoái, các trường phải trả chi phí in đề thi là 8.500 đồng/đề thi 3 môn, năm nay đã tăng lên 10.500 đồng. Chi phí cho cán bộ coi thi cũng tăng 30%, lên 350 nghìn đồng/người/3 ngày. Chính vì vậy sau khi cân đối nguồn thu - chi, ông Phan Ngọc Minh cho biết, Trường ÐH Ngân hàng đã xác định được số tiền lỗ khoảng 250-300 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Phòng Ðào tạo Trường ÐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết, do năm nay trường tổ chức thi thêm khối V nên chắc chắn sẽ lỗ 200-300 triệu đồng. Một số trường có lượng thí sinh tăng cao trong năm nay, việc bù lỗ sẽ nặng hơn. Trường ÐH Tài chính Marketing có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay tăng hơn 100% so với năm ngoái, nên dự định con số lỗ phải bù cho công tác tuyển sinh sẽ lớn hơn rất nhiều.


Bên cạnh đó, thực tế việc giảm thí sinh "ảo" cũng đảo lộn tính toán của các trường. Ðại diện các trường đều cho biết những năm trước, việc bố trí chỗ và phòng thi thường ít hơn so với lượng hồ sơ đăng ký dự thi vì tính toán được số thí sinh "ảo", điều này có thể hạn chế được một phần kinh phí. Tuy nhiên năm nay, các trường đều phải thuê chỗ đúng theo số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vì không dám mạo hiểm. Ông Ðỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết, trường phải thuê 15.418 chỗ, trong khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi chỉ 15.430, để dự phòng những trường hợp đột xuất phải tách phòng thi. Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết, mọi năm, nhà trường chỉ in khoảng 80% đề thi là vừa đủ số lượng đề thi cung cấp cho thí sinh nhưng năm nay trường không dám lường số thí sinh "ảo" nên phải in 100% đề thi.


Việc tăng lệ phí ÐKDT và thu đồng thời lệ phí thi khi nộp hồ sơ ÐKDT chắc chắn sẽ hạn chế phần nào số hồ sơ ảo. Giải pháp này đã được nhiều Hội đồng thi các trường kiến nghị với Bộ GD-ÐT, sau nhiều lần cân nhắc đến nay mới triển khai được. Tuy nhiên, cũng cần thêm nhiều giải pháp khác nữa. Chẳng hạn giải pháp được một số Hội đồng thi kiến nghị, là có thể vận động, tuyên truyền, tiến tới quy định "cứng": mỗi thí sinh cân nhắc thật kỹ và chỉ nộp một hồ sơ ÐKDT, nhưng có tác dụng, giá trị điểm thi ở nhiều trường. Tuy nhiên, do tình trạng hồ sơ ảo là hệ quả tất yếu của việc tổ chức thi "ba chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) nên nếu quy định như vậy thì trước mắt sẽ gây khó khăn cho các thí sinh vì thời gian ÐKDT diễn ra vào tháng ba hằng năm, nhiều thí sinh và gia đình chưa xác định được rõ ràng sẽ thi trường nào.


Hiện Viện Nghiên cứu sư phạm đang tiến hành một đề tài nghiên cứu, trong đó dùng phương pháp trắc nghiệm để xác định xem khả năng trí tuệ của học sinh đó có thể đi theo những hướng nào, và nếu theo hướng đó thì cần cải thiện những chỉ số nào... Việc định hướng đúng nghề nghiệp theo khả năng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội được thực hiện hiệu quả từ cấp học phổ thông về lâu dài sẽ là giải pháp giảm sự "ảo" của thí sinh khi ÐKDT.