DetailController

Chính trị

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

31/10/2024 15:42
Sáng 30/10, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà (Hoà Bình) góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu

Cần thiết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố

Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc đưa nội dung này thành nội dung nghị quyết thí điểm để xử lý là rất cần thiết.

Theo đại biểu, điều này xuất phát từ nguyên nhân do pháp luật còn bất cập, vướng mắc, chưa có quy định xử lý vật chứng, tài sản; vấn đề liên quan đến tiền, bất động sản gắn liền với đất, các giấy tờ có giá trị, đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ việc cũng chưa có quy định trực tiếp về việc áp dụng biện pháp ngừng giao dịch, tạm dừng đăng ký quyền sở hữu các tài sản liên quan. Chính vì vậy, nhiều cơ quan còn khó khăn, vướng mắc khi xử lý các vật chứng, tài sản, không bảo đảm khơi thông nguồn lực vật chứng tài sản khi bị thu giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, thực tế cho thấy, đây cũng là vấn đề hết sức mới và cần thí điểm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ việc thực hiện thí điểm này có đáp ứng yêu cầu thực tiễn và giải quyết được căn cơ những vấn đề đã gặp phải trong thời gian qua không.

Đồng tình với phạm vi điều chỉnh của nghị quyết chỉ áp dụng với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và thời gian thực hiện thí điểm trong vòng 3 năm. Đại biểu Đặng Bích Ngọc khẳng định, điều này sẽ giúp chúng ta đánh giá lại việc thực hiện thí điểm có giải quyết được những bất cập hiện nay không. Từ đó có giải pháp, kiến nghị đề xuất trong thời gian tới để sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Dân sự và các luật khác hay sẽ tiếp tục ban hành nghị quyết để tiếp tục triển khai thực hiện và áp dụng cho các vụ việc và sẽ áp dụng phạm vi rộng hơn.

Về khoản 2, Điều 3 của dự thảo đang quy định cơ chế cho phép người bị buộc tội hoặc tổ chức cá nhân được nộp tiền bảo đảm thi hành án để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa số tiền nộp bảo đảm không thấp hơn giá của vật chứng tài sản theo kết luận định giá tài sản. Hoàn toàn đồng tình với quy định này, đại biểu cho rằng, việc cho phép nộp tiền để bảo đảm cơ chế giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bảo đảm được nghĩa vụ trong kê biên thu giữ, tạm giữ, phong tỏa các tài sản và tránh gây lãng phí.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh, hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm việc thực hiện phòng chống tham nhũng nhưng nếu không có giải pháp tháo gỡ xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự thì sẽ rất khó khăn. Bởi đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực. Do vậy, nên có nếu có giải pháp hiệu quả để vừa đạt được mục tiêu của vụ án nhưng vẫn tránh gây lãng phí, hỏng hóc các tài sản là hết sức cần thiết.

Về hiệu lực thi hành tại khoản 2 Điều 4 có quy định nội dung “Nghị quyết này không áp dụng đối với vụ việc, vụ án hình sự đã có quyết định xử lý hoặc bản án, quyết định hình sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành”. Cũng tại khoản 1 Điều 4 quy định “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025 và được thực hiện không quá 3 năm”.

Đại biểu cho rằng, không cần quy định hồi tố như vậy để tránh việc tranh cãi và việc tổ chức thực hiện có nhiều cách hiểu khác nhau. Đồng thời, đề nghị bỏ nội dung về hiệu lực thi hành tại khoản 1 để việc tổ chức thực hiện thuận lợi khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ triển khai thực hiện, áp dụng đúng theo quy trình, trình tự thủ tục, tố tụng.

Bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng: Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội ban hành và thông qua năm 2023, có hiệu lực từ 1.1.2025 mà đề xuất sửa đổi ngay thì cần cân nhắc thêm. Ngoài ra, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về sửa đổi bổ sung Điều 9 về chi phí cho hoạt động quy hoạch, theo đại biểu hiện nay, trong hướng dẫn dự thảo kèm theo Luật Ngân sách nhà nước, nghị định của Chính phủ đã có hướng dẫn chi tiết về nội dung này, do vậy cần rà soát thêm những nội dung này để bảo đảm tính thống nhất, nguyên tắc. Đại biểu lưu ý, có thể cả chi thường xuyên và chi đầu tư trong công tác quy hoạch nhưng phải phân định rõ nếu trong trường hợp 1 quy hoạch thì chỉ sử dụng 1 nguồn chứ không thể sử dụng cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Liên quan đến khoản 5 Điều 1 sửa đổi khoản 2 Điều 20 về căn cứ lập quy hoạch có ghi “quy hoạch cao hơn (nếu có)”. Theo đại biểu, việc này nên giao cho Chính phủ hướng dẫn nội dung này.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 45 trong luật hiện hành có ghi “kế hoạch thực hiện quy hoạch được ban hành sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt” nhưng trong lần sửa đổi này có bổ sung thêm “thẩm quyền”, đại biểu đề nghị, cần xem thêm nội dung chi tiết có phù hợp với nội dung điều quy định không. Bởi, nếu giao thẩm quyền nên đưa vào nội dung thẩm quyền ở đâu được quy định ở đó để tránh sự trùng lắp, không thống nhất.

Hiện nay, Điều 49, Điều 51 có bổ sung thêm nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch. Cơ bản đồng tình với nguyên tắc nhưng về trình tự thủ tục điều chỉnh, đại biểu đề nghị nếu cần thiết sẽ giao lại cho Chính phủ hướng dẫn nội dung thực hiện điều chỉnh theo trình tự rút gọn.

Đối với Luật Đầu tư, trong khoản 3 Điều 2 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 31 có điều chỉnh lại thẩm quyền của Thủ tướng trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng mới có chỉnh lại liên quan đến bến cảng, khu bến cảng có quy mô lớn đầu tư 2.300 tỷ trở lên. Theo đại biểu, hiện nay chúng ta đang sửa đổi Luật Đầu tư công, do vậy nên cân nhắc rà soát thêm để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật.

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 47 “nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm, trừ trường hợp không thực hiện theo đúng tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng cần xem xét lại trường hợp này./.