Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã có những kết quả khả quan. Một bộ phận nhân dân đã tham gia tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như tự nguyện hiến đất, đóng góp về vật chất và nhân lực để xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông… Huyện đã mở 13 lớp cho 634 lượt cán bộ cấp huyện, xã và thôn tập huấn về nông thôn mới; mở được 17 lớp đào tạo cho hơn 400 lao động nông thôn, trong đó đã có hơn 70% lao động học nghề có việc làm.
Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay trên địa bàn mới có 1 xã đạt 9 đến 13 tiêu chí; 13 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí; 13 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong 3 năm các nguồn lực được huy động để xây dựng nông thôn mới là 458,471 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh là 324,677 tỷ đồng; ngân sách của huyện là 90,741 tỷ đồng; ngân sách xã là 14,200 tỷ đồng và vốn dân đóng góp 27,943 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cho 19/27 đạt 70,37%, 8 xã còn lại đang thẩm định. Đặc biệt, bằng nhiều chương trình, dự án đã xây dựng được các vùng sản xuất, là cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư nhân lực, vật lực tận dụng được nguồn lao động sẵn có tại địa phương, thúc đẩy sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời đào tạo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật từng bước giúp người dân làm chủ công nghệ máy móc áp dụng vào sản xuất. Qua 3 năm, Chương trình hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất cho các xã điểm của huyện đã triển khai như mô hình sản xuất khoai tây tại xã Trung Bì với tổng kinh phí đầu tư là 200 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng huyện cũng đã xây dựng các mô hình nuôi gà vụ, lợn bản địa và trồng ngô đông, hỗ trợ giống lúa lai, giống ngô và khoai tây nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn các vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được ưu tiên lồng ghép các chương trình để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ vật liệu xây dựng và kinh phí làm đường giao thông nông thôn tạo ra đột phá trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Đến nay, huyện Kim Bôi đã cải tạo, nâng cấp đường trục xã, liên xã đạt chuẩn hơn 96 km; cứng hoá đường trục thôn, liên thôn đạt chuẩn là 196,5 km; cứng hoá đường trục chính nội đồng cho xe cơ giới đi lại thuận tiện với hơn 3,3 km. Đồng thời, nâng cấp và làm mới cho hơn 25 hồ đập; cứng hoá trên 30 tuyến mương nội đồng, số kênh mương được cứng hóa đạt trên 40% tổng số kênh mương huyện. Trong 3 năm từ các nguồn vốn được đầu tư Kim Bôi đã tiến hành xây mới, đồng thời cải tạo nâng cấp các trường học để các trường có đầy đủ cơ sở vật chất tiến tới đạt chuẩn Quốc gia. Đến nay, trên địa bàn đã có hơn 55 trường được nâng cấp cải tạo, có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 1 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 1 trường THCS; số hệ thống điện đạt yêu cầu kỹ thật của ngành điện là 51/122 hệ thống; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 95%. Thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia học tập nâng cao trình độ, chuyên môn. Hệ thống tổ chức Chính trị tại các xã đạt so với tiêu chí trong bộ tiêu chí Nông thôn mới đưa ra. Tình hình an ninh trËt tù tại các xã được giữ vững, nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các thôn đã xây dựng hương ước, quy ước, hủ tục lạc hậu được đẩy lùi. Tính đến hết năm 2012 toàn huyện có 25/27 xã đạt tiêu chí an ninh trật tự xã hội...
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vẫn còn gặp những khó khăn do chương trình còn mới, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là cấp xã. Hơn nữa, công tác tuyên truyền trong nhân dân mặc dù được triển khai nhưng cũng còn hạn chế đặc biệt là ở một số cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; xuất phát điểm của các xã khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới còn thấp; nguồn ngân sách đầu tư cho Chương trình hạn hẹp, đời sống nhân dân còn nghèo, khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư; một số tiêu chí đạt nhưng vẫn ở mức tối thiểu, chất lượng chưa cao và chưa đảm bảo tính bền vững; đất canh tác còn manh mún, chân ruộng cao, khó áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến vào sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao còn chậm.
Để việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, huyện Kim Bôi đề ra mục tiêu đến năm 2015 số xã đạt chuẩn là 6 xã; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của nhóm phấn đấu đạt chuẩn 2015 là 9-10 tiêu chí/xã; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của nhóm xã còn lại là 6 tiêu chí/xã; số xã khó khăn trong nhóm 5 là 20%. Để làm được điều đó, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quản lý thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đồng bộ, toàn diện, ưu tiên các xã điểm, các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện, xã kịp thời kiện toàn khi bộ máy có thay đổi; chỉ đạo cơ sở chủ động, huy động nguồn lực sẵn có của địa phương thực hiện tốt các công việc theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác xây dựng nông thôn mới để người dân hiểu rõ, tích cực, chủ động tham gia đóng góp công sức, tài sản xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát động phong trào thi đua huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Quan tâm dạy nghề và nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, huyện cũng mở các hội nghị nông thôn mới mở rộng các đối tượng tham gia như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực về kinh tế có khả năng đầu tư; xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng thu hút và tạo điều kiện trong đầu tư vào các lĩnh vực, cho vay với lãi suất ưu đãi trong phát triển sản xuất. Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất, làm ăn có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tổ chức khuyến nông khuyến ngư, tập huấn, hỗ trợ các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo mô hình trang trại. Từng bước thực hiện dồn điền đổi thửa đồng thời gắn với giao thông thủy lợi. Củng cố và nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh...