Huyện phấn đấu diện tích dồn điền đổi thửa năm 2024 đạt 354,8 ha tại 11 xã, nâng tổng số diện tích dồn điền đổi thửa đến hết năm 2024 đạt 1.970 ha. Diện tích được đo đạc, lập bản đồ địa chính đạt 165,83 ha. Diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 108,77 ha. Có ít nhất 01 xã thực hiện liên kết chuỗi giá trị trên diện tích đã dồn điền đổi thửa.
Để thực hiện thành công kế hoạch trên, UBND huyện yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích, hiệu quả và sự cần thiết phải dồn điền, đổi thửa để tự giác thực hiện với phương châm kiên quyết, kiên trì, chặt chẽ, từng bước, nhất quán đảm bảo lợi ích chung của đa số người dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Dồn điền đổi thửa phải được gắn liền với việc quy hoạch lại đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoa học, hợp lý và phù hợp với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch hệ thống tưới, tiêu, khu đất dịch vụ. Trong quá trình thực hiện từng nhiệm vụ phải kịp thời xử lý, giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh thông qua việc thương lượng, hòa giải. Không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về sau.
Trong năm nay, huyện sẽ thực hiện dồn điền đổi thửa tại 11 xã gồm: Tú Sơn, Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Xuân Thủy, Kim Lập, Mỵ Hòa, Cuối Hạ, Nuông Dăm. Tổng diện tích dồn đồn là 354,8ha đất canh tác cây hàng năm (Lúa, cây màu) được dồn điền đổi thửa. Trong đó: Xã Tú Sơn 11 ha, xã Bình Sơn 15 ha, xã Đú Sáng 55 ha, xã Vĩnh Tiến 19,2 ha, xã Xuân Thủy 102,7 ha, xã Kim Lập 61 ha, xã Mỵ Hòa 72,73 ha, xã Cuối Hạ 3 ha, xã Nuông Dăm 15,1 ha. Các địa phương sẽ căn cứ theo điều kiện đất đai và tình hình xã hội của mỗi địa phương để vận dụng các cách dồn đổi cho phù hợp trên cơ sở bám sát Hướng dẫn thực hiện Đề án được ban hành tại Quyết định số 04/QĐ-BCĐ ngày 01/11/2021 của Ban chỉ đạo thực hiện các Đề án nông nghiệp huyện.
UBND huyện yêu cầu sau khi đã thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, hình thành các vùng trồng và cánh đồng với diện tích đảm bảo cho việc tổ chức lại sản xuất. Các địa phương tập trung phát triển sản xuất trồng cây hàng năm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, tạo vùng sản xuất hàng hóa và từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Sử dụng lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để đưa các biện pháp kỹ thuật mới trong sản xuất như: Giống cây trồng mới, dinh dưỡng cho cây trồng theo hướng thân thiện môi trường và an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng; áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong sản xuất, các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP),... nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trên 1đơn vị diện tích. Rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng của cơ sở hạ tầng sản xuất (đường nội đồng, mương dẫn nước,...) tại các xứ đồng sau khi dồn đổi, từ đó có kế hoạch tu sửa, nâng cấp và làm mới để nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình.../.