DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

17/05/2024 15:00
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024 (đợt 1 từ ngày 20/5 - 8/6/2024; đợt 2 từ ngày 17/6 - 28/6/2024). Đây là kỳ họp với nhiều nội dung, quyết sách quan trọng đang thu hút sự quan tâm, chú ý và kỳ vọng lớn của cử tri và Nhân dân cả nước nói chung và cử tri, Nhân dân tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Cử tri và Nhân dân tỉnh Hòa Bình mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm sớm đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách pháp luật, kịp thời sửa đổi các quy định còn bất cập, vướng mắc; đồng thời quan tâm nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đề nghị quan tâm hỗ trợ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, nâng mức chi trả phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng; đề nghị bổ sung mở rộng đối tượng người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần nặng, đặc biệt nặng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; quan tâm đầu tư nguồn lực để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt là những ngành như giáo dục và y tế; quan tâm xem xét đến chế độ chính sách cho công an viên khi thực hiện nhiệm vụ bị các đối tượng tấn công gây thương tích.

Cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 18 vấn đề:

(1) Theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính thì mức khoán quản lý, bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm, mức hỗ trợ đầu tư khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ bình quân là 300.000 đồng/ha/năm; theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ là 400.000 đồng/ha/năm, rất thấp so với mức quy định tại Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, hằng năm nguồn vốn sự nghiệp từ Trung ương hỗ trợ không đảm bảo nên mức phân bổ bình quân chung trên địa bàn tỉnh chỉ đạt từ 200.000 - 310.000 đ/ha (năm 2017 là 250.000 đồng/ha; năm 2018 là 200.000 đồng/ha; năm 2019 là 230.000 đồng/ha; năm 2020 là 310.000 đồng/ha; năm 2021 là 283.290 đồng/ha). Cử tri đã nhiều lần kiến nghị qua các kỳ tiếp xúc cử tri, tuy nhiên đến nay chưa có chính sách mới thay thế. Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng để phù hợp với công sức chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục nghiên cứu áp dụng cơ chế phân chia khoản tiền dịch vụ môi trường rừng thu được từ các nhà máy thủy điện theo tỷ lệ: 48% để chi trả dịch vụ điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất, đời sống xã hội của toàn bộ các lô rừng thuộc lưu vực thu nước của nhà máy thủy điện; 52% chi trả cho dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng sông, lòng suối. (2) Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP một số đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội.Đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu bổ sung mở rộng đối tượng người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần nặng, đặc biệt nặng đang sống có người thân chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Do các đối tượng này tiềm ẩn nguy cơ cao gây nguy hiểm cho người thân và xã hội. (3) Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo đối với xây mới là 40.000.000đ/hộ; sửa chữa nhà 20.000.000đ/hộ. Mức hỗ trợ này quá thấp so với chi phí để xây mới cũng như sửa chữa nhà trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, những hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng cao, vùng điều kiện khó khăn, nên chi phí vận chuyển và mua nguyên vật liệu sẽ bị đội giá cao hơn những vùng khác. Đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu tăng mức hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

(4) Đề nghị quan tâm xem xét đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình kỳ thai nghén, nghỉ thực hiện tránh thai cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tương tự như BHXH bắt buộc để phù hợp với nguyên tắc của BHXH cũng như đạt mục tiêu thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con là mức trợ cấp quá thấp, chưa thực sự phù hợp với việc bảo đảm nhu cầu của phụ nữ và trẻ em. Các quy định của chế độ trợ cấp thai sản mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức…. Việc quy định chỉ cho 5 lần khám thai được hưởng chế độ BHXH như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện nay là chưa phù hợp với thực tế. (5) Đề nghị quan tâm tham mưu sớm trình Quốc hội cho phép xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất đối với công tác quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế. (6) Hiện nay, quy định về mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình thuộc Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tối đa là 10 triệu đồng/hộ (Điều 1, Quyết định số 1205/QĐ-TTg, ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2004). Với chi phí trong giai đoạn hiện nay, quy định này không còn phù hợp với thực tiễn. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên mức 30 triệu đồng/hộ. (7) Đề nghị quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời tổ chức thực hiện chính sách khi chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

(8) Theo quy định tại Điều 51, 52 Luật Bảo vệ môi trường  năm  2020,  Điều  48  và  Điều  49 Nghị định  số  08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, quy định chủ cơ sở trong cụm công nghiệp phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hoà Bình tỷ lệ các khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường còn rất thấp. Một số Cụm công nghiệp được thành lập theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư; một số Khu công nghiệp phát triển từ cụm các cơ sở công nghiệp, chưa đồng bộ về hạ tầng bảo vệ môi trường. Do đó, quá trình xem xét, thẩm định các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, đến nay không thể thực hiện thủ tục về môi trường (do Khu, cụm chưa đồng bộ về hạ tầng BVMT).Đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành quy định tháo gỡ cho các cơ sở đã đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục đầu tư vào các Khu, cụm công nghiệp được thành lập từ trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực và do UBND huyện, thành phố, cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư. (9) Đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn kết nối kỹ thuật giữa các hệ thống thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các địa phương theo yêu cầu của Chính phủ số để thuận tiện trong việc liên thông, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và liên thông thủ tục hành chính. (10) Đề nghị quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định pháp luật chuyên ngành đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật và công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất.

(11) Đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu xây dựng và ban hành quy định về mức lương chuyên gia nước ngoài (quốc tế) tại các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài…) để các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh áp dụng. (12) Đề nghị quan tâm, xem xét sớm điều chỉnh Nghị định số 30/2023/NĐ-CP. Hiện nay, việc thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên, và tạm đình chỉ hoạt động của Trung tâm theo Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định đã được Cục Đăng kiểm Việt nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2023/NĐ-CP như sau: (i) Lùi thời hạn thực hiện thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên để cho phép các Đăng kiểm viên tiếp tục làm việc khi bị Tòa án xét xử nhưng cho hưởng án treo không bị nghiêm cấm hành nghề và xử lý các Trung tâm Đăng kiểm có từ 02 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên theo quy định tại điểm c, khoản 16 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP. (ii) Xem xét điều chỉnh hiệu lực áp dụng khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP kể từ ngày 01/01/2026 để các Trung tâm Đăng kiểm vẫn tiếp tục được hoạt động kiểm định trong giai đoạn tới nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện cấp thiết chính đáng của người dân và doanh nghiệp. (13) Đề nghị quan tâm xem xét có hướng dẫn việc cho phép Trung tâm Đăng kiểm có thể tiếp tục ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đối với các cá nhân là đối tượng trong các vụ án liên quan đến hoạt động đăng kiểm được hưởng án treo và không bị cấm hành nghề. Qua đó khắc phục được khủng hoảng do thiếu hụt nhân lực và giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

(14) Đề nghị quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương xây dựng mục tiêu cụ thể về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. (15) Đề nghị quan tâm có các giải pháp hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa, thị trường để việc cải cách tiền lương từ ngày 01-7-2024 bảo đảm nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tránh tình trạng tăng lương thì giá cả cũng tăng theo. (16) Đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương xem xét nghiên cứu sớm hoàn thiện, ban hành các quy định về xử lý những người cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, có hành vi can thiệp, cản trở hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng.  (17) Đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, cần cụ thể trách nhiệm đối với các cơ quan liên quan, đặc biệt quan tâm đến xây dựng khu nhà ở, khu vui chơi. (18) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở Y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (đã hơn 10 năm thực hiện)./.