Với đặc điểm tỉnh Hòa Bình có số lượng người dân tộc Mường lớn, địa bàn cư trú của người Mường ở khắp 11 huyện, thành phố trong tỉnh, sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Cụ thể, đã mở trang Tiếng Mường tích hợp trên Báo Hòa Bình điện tử, tổ chức biên dịch và đăng tải 05 tin, bài bằng tiếng Mường/ ngày gồm các nội dung về Chính trị, Kinh tế, Văn hóa - Du lịch, Giáo dục, Quốc phòng - An ninh và Thể thao; thực hiện sản xuất 02 Clip - Chương trình Truyền hình Internet tiếng Mường/ 01 tháng. Đến ngày 08/10/2018, Báo Hòa Bình điện tử đã đăng phát hơn 2.700 tin, bài, hình ảnh và gần 40 Clip - Chương trình Truyền hình Internet bằng tiếng Mường để tuyên truyền về Bộ chữ dân tộc Mường. Cổng thông tin điện tử tỉnh đã kịp thời cập nhật các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai tuyên truyền tiếng Mường theo Bộ chữ dân tộc Mường đã được phê chuẩn; đăng tải các tin, bài, hình ảnh để tuyên truyền tiếng Mường theo bộ chữ Mường đã được phê chuẩn. Đến nay Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã cập nhật đăng tải gần 100 tin, bài, hình ảnh và các văn bản liên quan thu hút đông đảo sự quan tâm, chia sẻ của người truy cập. Phòng Tiếng Dân tộc của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hòa Bình đã thực hiện mỗi ngày 01 chương trình phát thanh tiếng Mường với thời lượng 20 phút. Hàng tháng gửi từ 3 đến 4 chương trình tạp chí truyền hình tiếng Mường với thời lượng 25-30 phút phát sóng trên kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam. Từ thứ 2 đến thứ 7 chương trình thời sự tổng hợp, cập nhập các thông tin quan trọng của tỉnh cũng như việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Riêng chủ nhật là chương trình phát thanh văn hóa văn nghệ đề cập tới những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mường cũng như các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, bản của 11 huyện, thành phố đều được tuyên truyền về các nội dung liên quan đến bộ chữ dân tộc Mường trên hệ thống đài truyền thanh, truyền hình của các huyện, thành phố. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về bộ chữ dân tộc Mường và chủ trương của tỉnh về dạy tiếng dân tộc Mường.
Với nhiệm vụ “Xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy và học chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng thành công Bộ gõ chữ Mường và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu. Đồng thời hoàn thiện xong tài liệu học tiếng Mường cơ sở cho người Mường Hòa Bình. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành chỉnh sửa xong phần nội dung tiếng Mường trong Cuốn sách Mo Mường Hòa Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ấn hành năm 2010. Sở Khoa học và Công nghệ đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục đề tài “Biên soạn Từ điển song ngữ đối chiếu Việt - Mường, Mường - Việt” với mục tiêu: Quảng bá, đưa bộ chữ Mường vào trong đời sống dân tộc Mường và khẳng định bộ chữ Mường là chữ viết chính thức của dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình; Góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình; Biên soạn hai cuốn Từ điển Việt - Mường, Từ điển Mường - Việt đảm bảo tính khoa học dễ sử dụng, dễ tra cứu.
Ngày 30/5/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai sử dụng bộ gõ và tài liệu học chữ Mường. Thông qua hội nghị các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố đã được nghiên cứu học tập 10 bài học về triển khai sử dụng bộ gõ và tài liệu học chữ Mường cho người biết tiếng Mường và biết tiếng Việt. Trong đó, trọng tâm là khái quát về tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường ở Hòa Bình; giới thiệu bộ gõ và bộ chữ Mường của dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình; một số âm tiết và cách viết chính tả trong viết tiếng Mường. Ngoài ra, hội nghị tập huấn cũng tập trung vào những điểm khác biệt giữa bộ chữ Mường với chữ Quốc ngữ, trong đó chú ý tới hai điểm quan trọng là phản ánh được đặc trưng của tiếng Mường và tạo sự thống nhất trong cách viết "đọc thế nào viết thế nấy”. Qua hội nghị tập huấn nhằm giúp các học viên nắm chắc và sử dụng bộ gõ chữ Mường, tài liệu học chữ Mường, trên cơ sở đó từng bước xây dựng lộ trình triển khai phổ biến, ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường theo Kế hoạch số 118 ngày 27/1/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2035, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng dự thảo Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường qui mô toàn tỉnh. Trường Chính trị tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề xuất mở 01 lớp bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên nhà trường và một số ban, ngành ở tỉnh có năng lực, khả năng nghiên cứu giảng dậy chữ Mường tham gia học, nhằm xây dựng lực lượng giảng viên nòng cốt nhà trường về dạy chữ Mường. Đã dự thảo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đưa nội dung giảng dạy chữ Mường vào chương trình đào tạo….