DetailController

Quốc phòng - An ninh

Kết quả công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc năm 2013

25/11/2013 00:00
Hoà Bình là tỉnh miền núi cửa ngõ thuộc vùng Tây Bắc giáp với Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên gần 4.600 km2 ; dân số trên 80 vạn người, người dân tộc thiểu số chiếm trên 72%, có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống: Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, H’Mông, Hoa. Tỉnh Hòa Bình có 10 huyện, 1 thành phố, 210 xã, phường, thị trấn (trong đó: Có 49 xã đặc biệt khó khăn, 24 xã vùng CT229, 23 xã vùng hồ Sông Đà). Đảng bộ tỉnh Hòa Bình có 14 Đảng bộ trực thuộc với 680 tổ chức cơ sở đảng, trên 53.000 đảng viên. Toàn tỉnh có 30.914 cán bộ, công chức, viên chức các cấp (trong đó 26.401 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và cấp huyện, 4.513 công chức cấp xã).

Hoà Bình có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, hiện tại đã có hàng trăm điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá hấp dẫn và nổi tiếng như: Khu du lịch văn hoá dân tộc Bản Lác - huyện Mai Châu; Chùa Tiên - huyện Lạc Thuỷ; Suối khoáng - huyện Kim Bôi; Đền Thác Bờ - huyện Cao Phong vv... Hàng năm thu hút hàng chục vạn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, thăm quan, du lịch.

Năm 2013, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như của tỉnh để thu hút các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh ở các lĩnh vực khác nhau.

Về công tác thông tin đối ngoại: Tỉnh uỷ Hoà Bình xác định thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng và công tác đối ngoại, có nhiệm vụ quảng bá về văn hoá, lịch sử, con người, tiềm năng của tỉnh Hòa Bình; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch. Tỉnh đã thành lập Sở Ngoại vụ, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại: Quy chế quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại; Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh .

Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin ngoại năm 2013 nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại theo tinh thần Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020. Tăng cường tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và trên thế giới.

Đã lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường xúc tiến đầu tư, theo đó UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2013 với trên 200 doanh nhân trẻ tiêu biểu của 25 tỉnh khu vực phía Bắc tham dự. Hội nghị là dịp để những người làm công tác quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, cung cấp những thông tin về tiềm năng, lợi thế và các chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực du lịch tỉnh Hòa Bình.

Trong giai đoạn 2003 - 2013, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 141 chương trình, dự án, viện trợ do 49 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác quốc tế viện trợ, với tổng giá trị cam kết trên 20 triệu USD (bao bồm 131 chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng mức đầu tư cam kết là hơn 20 triệu USD và 10 gói viện trợ phi dự án với tổng mức giá trị gần 400 nghìn USD).  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động viện trợ, với 33 chương trình, dự án. Tổng giá trị cam kết là gần 10 triệu USD, giá trị giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2013 khoảng 1,5 triệu USD. Ngoài ra, Chương trình phát triển huyện Đà Bắc giai đoạn II do quỹ Ôxtrâylia vì nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) viện trợ đang trong giai đoạn xây dựng dự án chi tiết để tiếp tục triển khai giai đoạn II. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động 10/11 huyện, thành phố của tỉnh, địa bàn hoạt động của các dự án tập trung ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đối tượng hưởng lợi là những người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Cùng với các nguồn vốn đầu tư khác, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Các dự án đã có những hoạt động thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng, xác định được đúng đối tượng, đúng mục tiêu để thực hiện hỗ trợ nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân hưởng lợi từ dự án. Năm 2013, có 65 đoàn nước ngoài đến thăm quan và làm việc với tỉnh, 78 đoàn với 230 lượt người trong tỉnh đi học tập kinh nghiệm, thăm quan, nghiên cứu tại nước ngoài.

Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách mở cửa của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về tiềm năng du lịch và con người Hoà Bình để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch quốc tế đến thăm quan và nghiên cứu.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đã chủ động xây dựng kế hoạch các hoạt động thông tin đối ngoại cho từng thời gian cụ thể trong năm 2013, chú trọng những sự kiện lớn trong nước, khu vực và quốc tế, các vấn đề quan trọng, nhạy cảm được dư luận quốc tế quan tâm như: Biên giới, lãnh thổ, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền... Đổi mới hình thức, nội dung, nâng cao hiệu quả các thông tin tuyên truyền đối ngoại, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chú trọng phối hợp giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, hạn chế việc đăng tải quá nhiều các thông tin tiêu cực trên báo chí. Tích cực đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng và sách báo, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hoà Bình, Trang thông tin điện tử nội bộ của Tỉnh uỷ, trang web của Sở Ngoại vụ  đã có nhiều bài viết tuyên truyền định hướng của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại.

Định kỳ hai tháng một lần, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã mở Hội nghị Báo cáo viên thông tin về tình hình trong nước và quốc tế cho đội ngũ báo cáo viên và định hướng công tác thông tin tuyên truyền cho các địa phương. Hàng tháng, đã định hướng thông tin đối ngoại trên “Bản tin sinh hoạt chi bộ” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên với số lượng phát hành 4.500 cuốn.

Các hoạt động thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội; hiệu quả đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thu địch được nâng cao một bước; củng cố và mở rộng quan hệ của tỉnh với các nước và tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài; tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc.

Về công tác tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc: Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Năm 2013, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, biển, đảo của Tổ quốc. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt nhằm tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tổ chức nhiều hoạt động quyên góp hướng về các chiến sĩ đang công tác ngoài biển đảo, động viên con em tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, qua đó góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Hoà Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền cổ động, tổ chức các đợt chiếu phim, treo pa nô, áp phích tuyên truyền về vị trí, vai trò, chủ quyền biển đảo và đường biên giới của nước ta. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCSHCM tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trong học sinh, sinh viên, thanh niên nhận thức tầm quan trọng về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để dấy lên phong trào bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cùng cả nước phấn đấu đến năm 2020, nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động  tuyên truyền trên  “Bản tin sinh hoạt chi bộ” cho đội ngũ cán bộ đảng viên với số lượng phát hành 4.500 cuốn và qua Hội nghị Báo cáo viên định kỳ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam; góp phần làm cho nhân dân hiểu rõ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, đảo, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và nhận thức sâu về việc phân giới cắm mốc và chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở đó góp phần ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biên giới để xuyên tạc, chia rẽ  tình đoàn kết giữa các dân tộc, gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân, giữ vững ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc của tỉnh vẫn còn có một số hạn chế sau: Các hoạt động thông tin tuyên truyền ở một số ngành, địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; kinh phí đầu tư cho tuyên truyền còn ít. Nội dung thông tin chưa phong phú, sức thuyết phục chưa cao, chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin; cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp của các lực lượng tham gia tuyên truyền nhiều khi còn lúng túng. Các thông tin nhiều khi chưa có sự gắn kết chặt chẽ; việc ứng dụng công nghệ mới vào phục vụ công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc còn chậm. Các sản phẩm thông tin bằng tiếng nước ngoài chưa được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến hạn chế trong việc giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người và công cuộc đổi mới của tỉnh và của đất nước.

Trong thời gian tới, Tỉnh Hòa Bình đề ra phương hướng triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc như sau:

Một là, tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giữa các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trong việc tiến hành công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc theo cơ chế trao đổi thông tin, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền với các đoàn thể chính trị xã hội.

Hai là, chú trọng đầu tư kinh phí phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của các ngành. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại tại các điểm du lịch thông qua đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Ba là, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bốn là, tiếp tục tuyên truyền phản bác những âm mưu lợi dụng các hoạt động đối ngoại, đầu tư, du lịch để truyền đạo trái pháp luật, kích động, lôi kéo nhằm chống phá, nói xấu Đảng và Nhà nước.