DetailController

Chính trị

Kết quả công tác Cải cách hành chính của tỉnh Hòa Bình năm 2023

21/12/2023 16:30
Năm 2023, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã xác định nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương mình, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu CCHC đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát và kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật theo đúng hướng dẫn của Sở Tư pháp; đã bám sát vào kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu đề ra.
Năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 368.746 hồ sơ thủ tục hành chính

Một số lĩnh vực CCHC đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện ngay từ đầu năm và đạt được kết quả nổi bật như: Tỉnh Hòa Bình đã  hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2015 - 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015; Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ; kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh Hoà Bình tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020; Công tác quản lý công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định; Số công chức, viên chức được tuyển dụng mới đều có trình độ đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng, trong đó có nhiều người tốt nghiệp loại khá, giỏi từ những cơ sở đào tạo công lập có uy tín, đáp ứng được yêu cầu công việc. Qua kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm, số công chức viên chức được tuyển dụng đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch; cán bộ được bổ nhiệm đều thuộc diện quy hoạch, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, được tín nhiệm cao. Cán bộ, công chức bổ nhiệm phải có trình độ đào tạo theo quy định; đạt các tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng; có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có tuổi đời bổ nhiệm đúng theo quy định; Thực hiện việc xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức kịp thời khi có dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực. Trong đó, người đứng đầu phải quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận trong năm 2023 là 368.746 hồ sơ đang giải quyết là 13.797 hồ sơ, đã giải quyết 354.949 hồ sơ. Trong đó: Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Tiếp nhận 99.153 hồ sơ,  đang giải quyết 8.461 hồ sơ, đã giải quyết 90.689 hồ sơ. Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã: Tiếp nhận 269.590 hồ sơ, đang giải quyết 5.336 hồ sơ, đã giải quyết 264.254 hồ sơ. Theo dõi trên Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận trực tuyến là 368.708 hồ sơ. Trong đó: Tại cấp tỉnh: Tiếp nhận 99.157 hồ sơ. Tại cấp huyện, cấp xã: Tiếp nhận 269.551 hồ sơ. Số hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh thanh toán trực tuyến là 152.829 hồ sơ. Trong đó: Tại cấp tỉnh: số hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh thanh toán trực tuyến là 12.275 hồ sơ. Tại cấp huyện, cấp xã: số hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh thanh toán trực tuyến là 140.554 hồ sơ)

Hoạt động kiểm soát, rà soát, đánh giá TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và triển khai Đề án 06 năm 2023 trên địa bàn tỉnh sớm được triển khai, thực hiện thông qua công tác tham mưu, ban hành các chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện của tỉnh về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện Đề án 06. 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của địa phương đều được công bố và công khai kịp thời theo quy định. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến chất lượng, tiến độ giải quyết TTHC; tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trước và đúng hạn tăng cao, chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền ngày càng được nâng cao; Tiến độ, kết quả giải quyết TTHC của các cấp chính quyền được công khai đầy đủ, kịp thời trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Cổng Dịch vụ công của tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để theo dõi, đánh giá theo quy định. Các nhiệm vụ của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm thông qua việc ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhằm đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ trực tuyến trên môi trường điện tử, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 về việc giao chỉ tiêu giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn trình cho các đơn vị, địa phương với tỷ lệ tối thiểu là 50%. Công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, tích hợp, cung cấp kịp thời trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia để các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, cải tiến quy trình, đơn giản hóa phương thức thực hiện, khai thác các dữ liệu đã có trên hệ thống để tổ chức, cá nhân không phải khai báo lại các thông tin đã có, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện dịch vụ công; Các hoạt động phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, xúc tiến đầu tư được tiếp tục được quan tâm; tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tập trung giải quyết những hạn chế để nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, kết hợp với tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư. Tổ chức thực hiện hiệu quả bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh. Quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và tăng cường thực hiện văn hóa công sở; thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng tháng đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã. Công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, tích hợp, cung cấp kịp thời trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia để các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Dịch vụ công trực tuyến được triển khai trong toàn tỉnh từ huyện đến xã, được coi là khâu then chốt trong tiến trình cải cách hành chính của tỉnh; giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại; tránh được tình trạng cán bộ công chức quan liêu, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ và giúp tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính....

Việc thực hiện giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là bước đột phá mới trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. Cơ chế, chính sách này nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước…/.