Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng, triển khai trên 600 mô hình áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng chủ lực chính như: Cây ăn quả có múi, mía, rau, lúa, ngô...với quy mô mỗi mô hình từ 0,5 ha – 20 ha, đạt 120% kế hoạch.Tổng diện tích ứng dụng IPM toàn phần chiếm khoảng 20% tổng diện tích gieo trồng; diện tích ứng dụng IPM một phần chiếm khoảng 80% tổng diện tích. Cụ thể: Đối với cây ăn quả có múi: Có trên 70% diện tích được ứng dụng IPM từng phần; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM. Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ đến nay là trên 2.300ha, chiếm khoảng 20% diện tích cây có múi toàn tỉnh. Đối với cây rau: Có trên 70% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ đến nay khoảng 230ha, chiếm khoảng 5% diện tích trồng rau toàn tỉnh. Đối với nhóm cây lương thực lấy hạt (lúa, ngô): Có trên 90% diện tích được ứng dụng IPM từng phần; tăng hiệu quả sản xuất trên 10% (tập trung chủ yếu vào các giống lúa chất lượng, năng suất cao; các giống ngô lai có năng suất cao sử dụng cho đại gia súc và các giống ngô thực phẩm). Về hoạt động thu gom bao gói thuốc Bảo vệ thực vật sau sử dụng, đến nay, đã in và cấp phát 18.750 tờ rơi về hướng dẫn sử dụng và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; có khoảng 1.537 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (gồm 800 bể chứa cũ và 737 bể chứa trang bị mới năm 2020), tỷ lệ thu gom chiếm khoảng 15% tổng số lượng bao gói thuốc Bảo vệ thực vật toàn tỉnh.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, hầu hết các mô hình áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp đều có hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với đối chứng. Nhiều giống cây trồng mới đã được thử nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà, người sản xuất biết cách sử dụng phân bón hợp lý, đảm bảo nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng. Người sản xuất biết cách nhận biết, phân biệt và có biện pháp quản lý quả đối với từng đối tượng dịch hại, trên từng loại cây trồng; người sản xuất cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ-liều lượng, đúng cách). Đặc biệt, giữ cân bằng sinh thái đồng ruộng, tăng quần thể vi sinh vật trong đất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng nông sản góp phần bảo vệ môi trường sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Quần thể các loài sinh vật có ích như: Bò rùa, kiến ba khoang, bọ ba khoang, bọ đuôi kìm, chuồn chuồn kim, nhên bắt mồi trên đồng ruộng cao hơn; giảm số lần phun thuốc 1-2 lần/vụ, tương đương 1,5-3kg thuốc bảo vệ thực vật/ha/năm. Toàn tỉnh có 63 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,... với tổng diện tích được cấp giấy chứng nhận 2.375,74ha. Phân tích kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm trên 1.500 mẫu nông lâm thủy sản, tỷ lệ số mẫu vi phạm thấp khoảng 5% tổng số mẫu kiểm tra.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 70% số xã, phường có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu. Chuẩn hóa tài liệu quản lý dịch hại tổng hợp; quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; quản lý sức khỏe đất trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu (cây có múi, cây rau, cây mía, cây chè, cây thanh long, cây nhãn, cây chuối) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; tổ chức các lớp đào tạo lớp giảng viên TOT cấp tỉnh (30 học viên/lớp) trên các cây trồng chủ lực (cây có múi, cây rau, cây mía, cây chè, cây thanh long, cây nhãn, cây chuối, cây lúa, cây ngô). Mở rộng ứng dụng diện tích quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và có tiềm năng xuất khẩu./.