Căn cứ Chương trình hành động số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở, MTTQ và các ngành, đoàn thể triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 27, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, từng đơn vị gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác văn hóa, văn nghệ.
Công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng cả về chiều rộng và chiều sâu, bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và xe lưu động tới các xã, phường, thị trần; treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các trực đường. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép với các hội nghị, hội thi, hội diễn, các cuộc họp tại cơ quan, đơn vị... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, tuyên truyền, qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng để triển khai Chương trình hành động số 27 từ công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến quá trình tổ chức thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 27.
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện các tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đi vào chiều sâu, từng bước khắc phục hình thức. Các địa phương đã chú trọng nhân rộng gia đình văn hóa, xóm, bản, khu dân cư văn hóa trợ giúp lẫn nhau, thắm đượm “tình làng nghĩa xóm”, thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, không có tệ nạn xã hội. Đặc biệt, một số địa phương xây dựng các mô hình tổ liên gia tự quản, ngõ tự quản, đoạn đường tự quả... duy trì hoạt động rất hiệu quả trong đời sống văn hóa, điển hình như huyện Mai Châu, huyện Lạc Sơn. Đến nay, toàn tỉnh có 78,9% gia đình văn hóa; 65,5% làng, bản, tổ dân phố; 90,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% số xã, phường, thị trấn và 100% khu dân cư xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước; 100% các cơ quan, ban ngành các cấp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu, tổ chức, động viên Nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33, Chương trình hành động số 27. Chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và bùng nổ của công nghệ thông tin - truyền thông./.