Ngay sau khi Chỉ thị số 38-CT/TW được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, trong đó một số văn bản chỉ đạo mang tính chất xuyên suốt và lâu dài, khuyến khích người dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT. Việc triển khai các chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Nhiều chính sách mới về BHYT được ban hành theo hướng ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia BHYT. Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc tổ chức đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu dựa trên điều kiện thực tế về tổ chức hệ thống y tế tại địa phương, về phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất và nhân lực của mỗi cơ sở y tế. Do đó, người tham gia BHYT được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp với nơi cư trú, công tác, học tập và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe. Thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại các tuyến huyện, tuyến xã, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp với tình trạng bệnh tật mà vẫn được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ chi phí trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính; người bệnh có nhiều sự lựa chọn hơn về cơ sở khám, chữa bệnh; làm tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHYT thu hút người dân tham gia BHYT và thúc đẩy mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở y tế đã nỗ lực nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh, từ đó chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được tăng lên. Chính sách cấp thẻ, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình,… được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Số người được đóng, hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước năm 2012 là 644.161 người; năm 2015 là 594.612 người; năm 2018 là 638.846 người. Từ năm 2018, 100% người thuộc hộ cận nghèo trong toàn tỉnh được cấp thẻ BHYT.
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội. BHXH tỉnh và Sở Y tế đã phối hợp rà soát các cơ sở đủ điều kiện để ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT và phân bổ số lượng thẻ BHYT, cơ cấu nhóm đối tượng đăng ký ban đầu, phối hợp phân bổ dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT; thanh tra, kiểm tra tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; phối hợp trong công tác đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế, hằng quý hoặc đột xuất hai ngành phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hằng năm, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức thanh tra và thanh tra liên ngành đối với các đơn vị trong ngành, các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở về quy trình khám chữa bệnh, quy định niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giá thuốc theo quy định của Bộ Y tế, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT. Trong 10 năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thanh tra và phối hợp thanh tra liên ngành 69 đơn vị trong ngành, 120 cơ sở khám, chữa bệnh, 94 đại lý thu. Qua đó, đã kịp thời nhắc nhở các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo chi trả chế độ nhanh chóng, kịp thời, giảm phiền hà cho người tham gia BHYT. Đặc biệt, qua đó đã phát hiện và thu về quỹ BHYT hàng tỷ đồng do nợ đóng hoặc chi sai quy định, góp phần ngăn chặn, răn đe những hành vi trục lợi quỹ BHYT.
Chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện thủ tục về BHYT. BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ, đảm bảo quản lý hiệu quả, tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT; đã xây dựng, hoàn thiện và áp dụng bộ quy trình nội bộ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 900:2008 vào hoạt động tại cơ quan BHXH các cấp. Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính về BHYT được thực hiện theo cơ chế “một cửa” tại tất cả hệ thống cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh đảm bảo phục vụ kịp thời, nhanh chóng, không gây phiền hà cho người dân. Đến nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã cắt giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; nhiều thủ tục được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Toàn tỉnh hiện có 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn và 06 phòng khám đa khoa tư nhân tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng BHYT, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện áp dụng các giải pháp để tạo sự hài lòng đối với người bệnh. Thành lập tổ công tác xã hội tại bệnh viện để hướng dẫn người bệnh các thủ tục hành chính; tổ chức sắp xếp lại trật tự các phòng hợp lý, khoa học; niêm yết công khai giá dịch vụ y tế, giờ khám bệnh, quy trình khám, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa, phòng, hòm thư góp ý, quyền lợi, nghĩa vụ của bệnh nhân và nhân viên y tế,... Nhờ vậy, số thủ tục phải thực hiện khi đến khám chữa bệnh và thời gian chờ kết quả ngày càng giảm. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày một nâng cao. Nhiều dịch vụ kỹ thuật mới được triển khai tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, từng bước tạo được niềm tin đối với Nhân dân. Trong 10 năm, số người tham gia BHYT tăng rõ rệt. Từ 531.962 người năm 2009 (chiếm khoảng 67,65% dân số) lên 729.682 người năm 2015 (chiếm 88,06% dân số); đến năm 2018 là 817.346 người (chiếm 96,63% dân số).
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác BHYT; quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT, xem việc tham gia BHYT là nghĩa vụ của người dân. Lãnh đạo tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách BHYT như: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHYT nhất là các doanh nghiệp, hạn chế tình trạng nợ đọng BHYT hoặc không tham gia BHYT tại các doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT để hạn chế, ngăn chăn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT. Đổi mới công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền về BHYT; đảm bảo thông tin về chính sách BHYT tiếp cận được với tất cả các nhóm đối tượng, trong đó trọng tâm là nhóm cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên. Khuyến khích người dân tham gia BHYT một cách tự nguyện, thường xuyên; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BHYT và quản lý Quỹ BHYT đảm bảo cân đối giữa việc thu chi Quỹ BHYT. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác BHXH, đội ngũ y, bác sỹ có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm trong phục vụ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giám định BHYT; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý người tham gia BHYT, quản lý Quỹ BHYT, quản lý chất lượng khám chữa bệnh. Phối hợp tổ chức tốt việc KCB BHYT tại các cơ sở y tế; cải tiến thủ tục hành chính trong tổ chức KCB BHYT tại các bệnh viện để tạo điều kiện thuận lợi cho người KCB BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế.