Mục đích nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC; kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc kiến nghị chỉnh sửa quy định TTHC không cần thiết, không còn phù hợp và gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức, cá nhân; bảo đảm quy định TTHC đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC. Nhằm xây dựng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác cải cách TTHC, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong việc rà soát TTHC và thực hiện quyền giám sát việc giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định kết quả kiểm soát TTHC có hiệu quả sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thực hiện việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Theo đó, yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC. Trong đó, tập trung vào việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC trên địa bàn tỉnh, bảo đảm chất lượng thẩm định, đánh giá tác động quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành theo quy định trên địa bàn tỉnh. Công bố đầy đủ, kịp thời TTHC và các quy định liên quan đến TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC. Công khai chính xác, rõ ràng, đầy đủ các TTHC bằng nhiều cách thức, phương tiện phù hợp. Đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian giải quyết, các chi phí không cần thiết trong thực hiện TTHC, qua đó đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định TTHC không cần thiết, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, đặc biệt là giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp cho tổ chức, cá nhân. Tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính. Kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bố trí cán bộ, công chức có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao… đến làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
Đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, dịch vụ công trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đối với cơ quan hành chính các cấp.
Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp. Thực hiện đổi mới mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2024 của ngành, địa phương mình và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp).
Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các hoạt động theo Kế hoạch này, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì trong việc triển khai thực hiện các nội dung có liên quan.
Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí chi cho công tác kiểm soát TTHC theo quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC; Nghị quyết số 53/2012/NQ-HĐND ngày 06/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định mức chi bảo đảm cho việc thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Văn phòng UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh theo quy định hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.