DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hy vọng ở “miền đất dữ”

06/01/2012 00:00
Làng Đá Bạc thuộc xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) từng là “miền đất dữ”, với 26 người bị nhiễm HIV/AIDS (phát hiện năm 2003). Giờ đây, người dân đã gột rửa được nỗi chán chường và có nhiều niềm vui sống.
Gia đình anh H đã làm ăn khấm khá.

Chuyện cũ ám ảnh...

Ông Lưu Hữu Toán - Chủ tịch UBND xã Liên Sơn giãi bày: Năm 2003, từ 1 thanh niên Đá Bạc đi xa trở về, đã lộ ra một sự thật về nhóm người đi làm vàng ở Đà Nẵng trước đây: Có nhiều người bị “dính H” (do dùng chung kim tiêm khi chủ “bưởng” bắt tiêm phòng sốt rét).

Làng trên, xóm dưới râm ran bàn tán; nỗi lo lắng, sợ hãi tràn ngập trong các gia đình có người nhiễm HIV. Điều đáng ngại là có người đã truyền bệnh cho vợ mà vô tình không biết. Số người bị nhiễm trên địa bàn lên tới 26 người và đã có nhiều người tử vong. Một không khí ngột ngạt bao trùm lên xóm làng.

Do không hiểu biết, nhiều người xa lánh người nhiễm HIV vì sợ bị lây. Vì vậy, người nhiễm HIV không dám xuất hiện nơi cỗ bàn, cưới xin, nếu xuất hiện cũng khiến người đối diện ngại ngần. Có gia đình còn cho con em mình ăn uống bằng bát đũa riêng.

Chị Nguyễn Thị T (lây nhiễm từ chồng) nghẹn ngào nhớ lại: “Có lần em về quê ngoại, người thân còn bảo: Về Đá Bạc đi, ở lại đây sợ con “si-đa” lắm”. Chị Đ trồng được mớ rau muống, bán cũng khó vì mọi người sợ ăn rau của chị sẽ lây; con đi học cũng bị bạn bè lảng tránh. Bản thân chị buồn nản, không biết tương lai đứa con sẽ ra sao, dựa vào đâu để đi hết hành trình cuộc đời. Hiếm có người nào ở Đá Bạc những năm tháng đó lại thờ ơ, đứng ngoài những tâm trạng đó...

Bàn tay đã nắm bàn tay...

Trên con đường làng Đá Bạc hôm nay, ông Bạch Văn Viên - Trưởng thôn, Chủ nhiệm CLB Cùng chia sẻ nhận định: “Sau một thời gian, sự kỳ thị mau chóng được hoá giải. Bản thân người nhiễm HIV cũng đã được cởi bỏ tâm lý tự ti, hoang mang”.

Ông Lưu Hữu Toán nhớ lại, hồi đó cán bộ, đảng viên đã chứng minh cho bà con thấy rằng: Ăn uống, ngồi chung, trò chuyện với người nhiễm HIV không có gì nguy hiểm. Đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh hồi ấy là ông Quách Thế Tản đã tới tận nhà người có H thăm hỏi. Sau đó, nhờ có Dự án UNFPA, cùng sự vào cuộc của Hội Phụ nữ tỉnh (với mô hình CLB Cùng chia sẻ); mối quan tâm, chia sẻ giữa mọi người được thể hiện sâu sắc, thiết thực hơn. Hiện nay, CLB đã có trên 50 hội viên, trụ sở CLB chính là nhà văn hoá thôn bản. Một số người được vay vốn để phát triển kinh tế.

Cuộc sống của 82 hộ dân ở Đá Bạc đã không còn những xáo trộn, dẫu dư âm câu chuyện buồn chưa hẳn đã mất đi. Điều mới hơn cần ghi là: Nhiều người ở nơi khác đã đến với vùng đất Đá Bạc giống như thời chưa có “cơn bão HIV/AIDS” đi qua…

Một ngày cuối năm 2011, thăm gia đình anh chị Nguyễn Đình H (39 tuổi), Nguyễn Thị H (32 tuổi), chúng tôi cảm nhận được niềm vui đã trở lại ngôi nhà nhỏ ven đường ở Đá Bạc. Anh đã ít nói về chuyện buồn xưa cũ mà nhắc nhiều đến chuyện làm ăn, mùa màng. Chị H kể nhiều về 2 đứa con với ánh mắt rạng ngời: Đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 11 tuổi khoẻ mạnh, chăm ngoan. Bản thân chị đã nhận được tin lành: Không nhiễm H. Giờ cả 2 vợ chồng đều là thành viên CLB Cùng chia sẻ. Con đường phía trước không còn mịt mờ như hồi người chồng nhận được thông báo nhiễm HIV nữa.

Chị B.H đã tươi lại niềm hy vọng mới, khi đứa con sinh ra không bị nhiễm HIV. Có động lực, chị tích cực tham gia CLB Cùng chia sẻ. Chị đã được mời dự hội nghị những người có H toàn cầu lần thứ 17 ở Mexico; tham gia các hoạt động xã hội khác. Nhiều thanh niên khác nhiễm HIV như anh Q, anh K, anh T… đã làm nhà, xây dựng cuộc sống mới trên chính miền quê họ từng sống buông xuôi, sống gấp…