Hiện nay, trên địa bàn huyện Lương Sơn có tổng số 28.420 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó số trẻ em dưới 6 tuổi chiếm trên 12,4 nghìn em. Qua điều tra khảo sát vào cuối năm 2018, toàn huyện có trên 3 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; không có tình trạng: Trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc độc hại, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị buôn bán, bắt cóc,...Toàn huyện có 188 em bị khuyết tật và mồ côi được nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Thực hiện Luật trẻ em từ năm 2016 đến nay, huyện Lương Sơn đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, với các mục tiêu, chỉ tiêu có liên quan, cụ thể: Duy trì số lượng học sinh đầu năm học, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học, huyện đạt phổ cập THCS, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ suất tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng,... đều đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018, huyện Lương Sơn có 11/19 xã về đích nông thôn mới, trong đó có các tiêu chí tác động trực tiếp đến công tác chăm sóc trẻ em như: Tiêu chí số 5 đạt 11/19 xã, tiêu chí số 14 đạt 19/19 xã, tiêu chí số 15 có 18/19 xã, mục tiêu của huyện phấn đấu hết năm 2019 có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em trên địa bàn huyện được tập trung thực hiện, như: Tuyên truyền Luật trẻ em với các chủ đề phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, truyền thông giáo dục sức khỏe, tháp dinh dưỡng, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ. Các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, giao ban, sinh hoạt chi bộ Đảng, sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghị, các hoạt động truyền thông, các trường học trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, thể hiện như: 100% trẻ dưới 6 tuổi và trẻ em hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT và chăm sóc y tế miễn phí; phối hợp với ngành Y tế tổ chức tư vấn tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, làm tốt công tác y tế dự phòng; tiêm chủng mở rộng trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đủ 7 loại vắc xin; 100% trẻ em nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về giáo dục,... Ngoài ra, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn được thực hiện dưới nhiều hình thức, thông qua các hoạt động văn nghệ, thể thao ở nhà trường và khu dân cư.
Từ khi Luật trẻ em có hiệu lực, đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Cấp huyện đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; 100% các xã, thị trấn đã thành lập Ban bảo vệ trẻ em và hệ thống cộng tác viên kiêm nhiệm công tác trẻ em tại các thôn, xóm, tiểu khu trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thống kê, thông tin việc trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em; phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật; hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; ưu tiên tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em; đồng thời, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em; kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên cập nhật phần mềm theo dõi trẻ em trong gia đình, qua đó theo dõi được quá trình biến động, tăng hoặc giảm số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn để có chính sách, biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời./.