Huyện Kỳ Sơn là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, huyện có tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến Quốc lộ 6 chạy qua. Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Mông Hóa, Yên Quang, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai các dự án phát triển công nghiệp. Khu công nghiệp Yên Quang được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được công bố quy hoạch. Khu công nghiệp Mông Hóa được tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. UBND tỉnh vừa đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Phú Mỹ nghiên cứu đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mông Hóa trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt 235,86 ha; đồng ý cho tập đoàn này khảo sát mở rộng giai đoạn II, Khu công nghiệp Mông Hóa. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân Khu công nghiệp Mông Hóa để chỉ đạo thực hiện mục tiêu tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu khảo sát triển khai các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Đối với Khu công nghiệp Mông Hóa đã có nhiều doanh nghiệp đang đầu tư gồm: Dự án nhà máy chế biến trái cây của Công ty Cổ phần nước ép trái cây châu Á vốn đầu tư 250 tỷ đồng; nhà máy sản xuất phân bón Hòa Bình của Công ty Cổ phần phân bón và hóa chất Hòa Bình vốn 20 tỷ đồng; dự án sản xuất vật tư y tế của Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Hòa Bình vốn 100 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất nhôm Gia Anh - Galcocuiar của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thái vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc dân dụng đã có nhiều dự án như: Dự án nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Japfacomfeed Việt Nam; nhà máy chế biến kinh doanh tổng hợp của Công ty Cổ phần Vitech Hòa Bình vốn đầu tư 100 tỷ đồng; nhà máy chế biến gỗ của Công ty MTV Nông sản Tân Thái vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng… Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc chổi chít, gia công cơ khí cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư như: Dự án khai thác và chế biến đá bazan của Công ty Cổ phần MCC và Công ty Cổ phần Vimeco tại xã Phú Minh vốn đầu tư 113 tỷ đồng; xưởng sản xuất công nghiệp phụ trợ của Công ty Cổ phần Cơ điện Kinh Bắc vốn đầu tư 14 tỷ đồng.
Huyện Kỳ Sơn đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất - kinh doanh. Lĩnh vực CN - TTCN có sự tăng trưởng khá ổn định. Toàn huyện có hàng trăm cơ sở sản xuất CN - TTCN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc, sản xuất chổi chít... Năm 2018, giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện đạt 780 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vẫn duy trì các sản phẩm: đá xây dựng các loại 85.000 m3; cát, sỏi 82.000 m3; gạch xây dựng các loại 84 triệu viên; ống cống bê tông 11.500 cái; chổi chít 15 triệu cái; xen hoa sắt xếp 11.200 m2; khung nhôm cửa kính 11.400 m2; đồ mộc dân dụng 33.300 sản phẩm; may mặc 15.000 sản phẩm; chế biến lâm sản 28.000 m3; chế biến nông sản 105.000 tấn... Quý I năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 126,3 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ và đạt 14,7% kế hoạch năm.
Năm 2019, huyện Kỳ Sơn tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.