DetailController

Tin từ các đơn vị

Huyện Kim Bôi quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động

30/08/2018 00:00
Nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động là một trong những chương trình trọng tâm trong hoạt động Công đoàn giai đoạn 2013-2018. Nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 1464/CTr-TLĐ ngày 08/10/2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc “nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” giai đoạn 2013-2018, Kế hoạch số 27/KH-LĐLĐ ngày 22/01/2014 của LĐLĐ tỉnh Hòa Bình về “Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho CNVCLĐ”, huyện Kim Bôi đã xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của đoàn viên và người lao động trên địa bàn huyện.
Hằng năm, CNVCLĐ huyện Kim Bôi được tham gia các buổi tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Công đoàn tỉnh tổ chức

 

Huyện đã chỉ đạo công đoàn các cấp trong huyện tăng cường phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động về nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, đối thoại để người sử dụng lao động hiệu về nhiệm vụ và ý nghĩa thiết thức của việc nâng cao trình độ; đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động vào nội dung Nghị quyết Hội nghị người lao động, nội dung, quy chế của doanh nghiệp.

Đã có 3.268 lượt người trên tổng số 3.695 CNVCLĐ được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nghị quyết của tổ chức công đoàn về mục đích, ý nghĩa, tác dụng, vai trò, lợi ích của công tác “Nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp của  đoàn viên và người lao động”, 612 người được tuyên truyền về kỹ năng sống. Các cấp Công đoàn đã tổ chức gần 500 buổi tuyên tuyền miệng; 350 cuộc thi, buổi nói chuyện chuyên đề. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đưa công tác nâng cao trình độ học vấn cho CNVCLĐ vào Nghị quyết Hội nghị cán bộ công chức, 50% doanh nghiệp đưa vào thỏa ước lao động tập thể. 100% đoàn viên cán bộ công chức, viên chức có nhu cầu nâng cao trình độ đều được tạo điều kiện về kinh phí và thời gian để học tập. Mỗi năm có trên 1000 sáng kiến kinh nghiệm, riêng công nhân lao động ở khối sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp tạo điều kiện phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ với 158 sáng tiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất ra đời, làm lợi hàng chục tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp tổ chức cho người lao động thi nâng bậc, thi tay nghề giỏi; phát động và tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và đã có nhiều sản phẩm công trình đạt giải tỉnh, giải quốc gia…

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, công tác nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều công đoàn cơ sở chưa đàm phán, thương lượng được với người sử dụng lao động đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của người lao động vào thỏa ước lao động tập thể. Ở những doanh nghiệp thương lượng được cũng chủ yếu là nội dung đồng ý tạo điều kiện để tổ chức tuyên truyền. Sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hỗ trợ, phối hợp của chính quyền và vai trò tham gia của Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động và triển khai các hình thức nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho CNVCLĐ hiệu quả còn thấp. Tại nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của CNVCLĐ đối với sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, do đó chưa tạo được điều kiện thuận lợi để CNVCLĐ tích cực tham gia học tập. Một bộ phận CNVCLĐ khả năng tiếp thu KHCN hiện đại còn hạn chế, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của công nhân lao động chưa cao....

Với thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thì đoàn viên, người lao động rất dễ bị loại trừ khỏi thị trường lao động. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần tích cực tuyên truyền, vận động CNVCLĐ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, nắm bắt KHKT, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp. Tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng trong thực hiện chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, cụ thể hóa “Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; tham mưu các cấp lãnh đạo tổ chức thi tay nghề hàng năm cho công nhân lao động…